1. Giới thiệu về rượu cần Tây Nguyên

Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hũ/bình/ché/chóe/ghè, không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre/trúc đục thông lỗ để hút rượu.

Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngàyhội làng và dành đãi khách. Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết với nhau và văn hóa trong uống rượu, không có chuyện chén chú, chén anh,..

Mọi người cùng uống với nhau chung cần, già, trẻ, tra, gái nhâm nhi để cho cuộc vui thêm bất tận. Hiện nay, rượu cần không chỉ dành riêng cho các đồng bào Tây Nguyên, mà người Kinh chúng ta cũng hay thích uống rượu cần – thưởng thức món đặc sản của người đồng bào Tây Nguyên trong các dịp lễ tết, hay những đêm lửa trại đúng là một cảm giác khó tả.

Nhiều nhà văn đã tốn không ít giấy mực để nói về Rượu Cần, trong đó có tác phẩm “THƯỞNG XUÂN TRÊN CAO NGUYÊN VỚI RƯỢU CẨN CỦA ĐỒNG BÀO THƯỢNG” của tác giả Nguyễn Trắc Dĩ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về Rượu Cần với những tập tục của Đồng Bào Thượng. Mời quý đọc giả cùng tham khảo:

2. Tác phẩm “THƯỞNG XUÂN TRÊN CAO NGUYÊN VỚI RƯỢU CẨN CỦA ĐỒNG BÀO THƯỢNG” của tác giả Nguyễn Trắc Dĩ

Trong lúc mọi gia đình đang chuẩn bị đón xuân với đủ thứ kẹo, mứt, bánh chưng, bánh gai, bánh tét, trái cây… và không quên rượu, thì trên cao nguyên, đồng bào Thượng có nơi đã đón xuân, có vùng đang chuẩn bị cho ngày lễ lớn đầu năm. Rượu cần nắm giữ vai trò chính làm vui cho ngày Tết.

Rượu, đông tây kim cổ gặp nhau ở rượu. Các tay tổ rượu đã thưởng thức hương vị Mai Quế Lộ, Whisky, Champagne, Vodka, đế…, giờ xin mời quý khách thưởng xuân với rượu cần của đồng bào Thượng. Chắc chắn quý vị được hài lòng, say sưa với mùi vị thích khẩu, độc đáo của từng vùng sơn cước.

ruou 1 1623834987364420653078 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Thưởng xuân uống rượu cần ở vùng Tây Nguyên

Trước hết, xin giới thiệu cùng quý độc giả những ngày Tết đầu năm của từng bộ tộc Thượng, rồi vui đâu mời dừng lại đó.

Đồng bào Thượng cúng bái quanh năm, nhưng tựu chung hằng năm vào tháng Giêng, Hai âm lịch. Bộ lạc nào cũng có tổ chức những ngày lễ lớn, phần đông gọi là “Lễ mừng lúa”.

Cuối tháng Mười một, Mười hai âm lịch, thu hoạch xong vụ mùa. Lúa về là bắt đầu sửa soạn “mừng lúa” để tạ ơn Nhang, ơn thần lúa, thần núi, thần sông đã phù hộ cho được nhiều lúa và trong năm được bình an.

Ngày lễ thường không có ngày nhất định và mạnh nhà nào, nhà ấy tổ chức, cả làng chung vui. Lần lượt hết nhà nọ tới nhà kia, thành ra có thể nói: những tháng Chạp, Giêng, Hai âm lịch, có khi sang tới tháng Ba âm lịch, là mùa Tết của đồng bào Thượng mới đúng.

  • Đồng bào Vân Kiều, Tồi Ôi (Quảng Trị), Teu, Pacoh (Thừa Thiên), K”Tu (Quảng Nam – Quảng Tín) mừng lễ A-Dza từ tháng Mười một âm lịch.
  • Đồng bào Hré, Kré, Khét, Takua (Quảng Ngãi) ăn “mừng lúa” vào tháng Giêng âm lịch.
  • Đồng bào Bonam vùng An Lão (Bình Định), mừng xuân bằng một cuộc lễ “đâm trâu xây cột” thật trọng thể.
    Đồng bào Krem vùng Vĩnh Thạnh (Bình Định) tổ chức lẽ “Khấn đổ đầu năm mới” cũng vào tháng
    Giêng ta.
  • Vùng người Chăm-Hrui (Vân Canh – Bình Định) và người Hoi (Phú Yên) ăn Tết gần đồng thời gian với
    Tết Nguyên Đán của ta.
  • Đồng bào Bahnar Roh, Tolo, Alakong… (An Túc Bình Định) mừng lúa ăn nhỏ nhưng lễ Tạ mả lại được tổ chức trọng thể vào tháng Giêng, Hai âm lịch.
  • Người Sédang, Dié (Dakto, Daksut, Toum rong) coi ngày “Tết giọt nước” quan trọng nhất, tổ chức vào tháng Hai âm lịch.
  • Người Djarai (Pleiku, Phú Bổn) tổ chức Tết Bơng-Tơ-Kuh Thun thật linh đình vào tháng Giêng.
  • Người Rhadé (Đăk Lăk) tổ chức lễ Estrat (Lễ mãn mùa) và mừng xuân bằng lễ “Soi Yang-Choroh” thật lớn.
  • Người Kaho, Churu, Cil (Đồng Nai thượng) ăn Tết Lir-Bong (mừng lúa về) vào khoảng đầu tháng Hai âm lịch.
  • Người Roglai (Khánh Hòa, Ninh Bình Thuận) gọi lễ “mừng lúa” là “lễ ăn bùi”.
  • Người Stieng (Phước Long, Bình Long) ăn “lễ mừng lúa trúng” vào khoảng tháng Giêng.

Bất cứ ở đâu và trong bộ tộc nào, rượu cần là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Các vò rượu ngon nhất đều được dành đến ngày lễ trọng vừa kể hoặc khi thù tiếp thượng khách.

A- CÁC THỨ RƯỢU

Rượu cần có nhiều thứ được chế tạo bằng thổ sản địa phương như lúa, bo bo, khoai mì, bắp, đậu xanh hoặc trắng.
Cách chế tạo mỗi thứ một khác, đại lược như sau:

1707388076870 17251308022024 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Ủ rượu cần
  • Rượu thóc: thóc mới, đem về rửa sạch, ngâm vào nước, trộn với men rồi cho vào hũ. Lúc uống, đổ nước vào cho đầy rồi uống. Loại rượu thóc ngâm này thịnh hành ở vùng Vĩnh Thạnh (Bình Định), một vài nơi khác cũng thấy làm rượu thóc, nhưng thường thóc được giã sơ qua và nấu chín để nguội rồi mới trộn với men làm rượu. Loại rượu thóc ngâm này chua và nếu không quen thì rất khó uống.
  • Rượu cơm: Đây là thứ rượu thịnh hành nhất tại bất cứ nơi nào cũng thấy có. Thóc được giã cho long trấu, sàng sảy qua loa rồi đem nấu thành cơm, giải ra cho nguội và ráo nước. Thường cơm được để giải chừng một đêm, hôm sau đem bóp với men và cho vào ghè. Có nơi không bóp hoặc trộn cơm với men mà cho từng lớp cơm và men vào ghè, cứ một lớp cơm lại một lớp men mỏng. Thường thường chỉ cho cơm rượu đến lưng ghè mà thôi, đoạn dùng lá chuối hoặc thứ lá cây nào lớn để phủ lên trên. Cơm rượu được vài ba hôm sẽ nở lên gần đầy ghè, và từ 5 bữa trở đi là đã có thể đem dùng được, nhưng muốn ngon và hết chua phải để lâu. Rượu càng để lâu càng tốt, càng ngọt và càng quý. Có nơi đồng bào còn đem chôn để có thể dành được lâu. Tuy nhiên, rượu cơm có vùng thật ngon, có vùng uống đắng, đó là tùy cách lựa thóc và chế men của từng vùng và từng người chế. Phương pháp chế rượu cơm của đồng bào Churu, Kaho (Tuyên Đức – Lâm Đồng) có phần kỹ hơn. Cơm thổi chín đem ra giải rồi lấy men trộn cho đều với cơm, sau đó, cho tất cả vào một cái gùi, đoạn lấy lá bịt lại, để từ 1 tới 2 ngày cho men thật ngấm với cơm rồi mới rỡ ra trộn với cám trước khi cho vào ghè. Miệng ghè lại được trám kỹ bằng một thứ tro đặc biệt nhào với nước có chất dính.
  • Rượu Bo bo – Kê: Thịnh hành ở vùng của đồng bào Sédang, Dié, Hré, Bahnar. Cách chế tạo cũng giống như làm rượu cơm, nấu chín, trộn với men, ở vào ghè. Rượu kê của đồng bào Sédang và Dié vùng Dakto, Daksut, Toum’Rong (Kontum) được tiếng là tuyệt hảo, các thương lái kháo nhau rằng: Không kém rượu Champagne. Sự so sánh có phần quá đáng, nhưng dù sao cũng nói lên cái đặc biệt của thứ rượu địa phương này.
  • Rượu cần còn được chế bằng gạo nếp, bắp, khoai mì, khoai lang, đậu xanh, đỗ trắng, tùy theo thổ sản từng địa phương. Cách thức chế tạo cũng giống như cách làm rượu cơm ở trên. Tuy nhiên, ở vùng Bình Định làm rượu khoai, mì thường không luộc chín hẳn, đồng bào cho rằng, để nửa sống, nửa chín rượu sẽ được ngọt hơn.
  • Ngoài những thứ rượu thông dụng trên, đồng bào Teu, Vân Kiều, Pacoh, K’Tu vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín lại có các thứ rượu đặc biệt:
  • Rượu nứa: Lấy nước ở trong các cây nứa non ngâm với vỏ cây chuồn, để chừng 1 tuần thì uống được.
  • Rượu mây: Lấy nước ở ruột cây mây tượng biến chế: pha lẫn với nước và hòa với men làm rượu.
  • Rượu đoác: Lấy nước ở buồng cây đoác biến chế như làm rượu mây.
    Các thứ rượu vừa kể, mỗi thứ có một hương vị riêng, ngọt và có mùi nứa, đoác, mây, nhưng cũng không thích khẩu cho lắm.

B- CÁCH CHẾ MEN

Hiện nay đồng bào thường dùng men ở chợ đem về chế rượu, nhưng trước khi các thương lái đem men lên vùng
Thượng thì đồng bào vẫn tự chế lấy men để dùng.

20161225151944Nhung banh men duoc ba Y Der u xong phoi mat trong nha 3 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Tự chế men Rượu Cần Tây Nguyên
  • Đồng bào Hré (Quảng Ngãi) dùng rễ cây “Kơ-xi-blo” (cây giây men) để làm men. “Kơ-xi-blo” là một loại thảo bò trên mặt đất, lá tựa như lá trầu. Rễ Kơ-xi-blo được cạo sạch, lột lấy vỏ ngoài, còn bỏ ruột, đem phơi khô, giã nhỏ, trộn lẫn với rềng hoặc gừng và bột gạo rồi nắm lại thành từng bánh.
  • Đồng bào Bahnar vùng An Túc (Bình Định), gọi rễ cây men là Hiam, biến chế cho thêm gừng, ớt, trộn với gạo rồi viên thành từng viên nhỏ.
  • Đồng bào Rhadé dùng lá và củ gừng dại gọi là kuach-eya tán nhỏ trộn với gạo ngâm rồi viên thành từng viên nhỏ, đem phơi khô làm men.
  • Người Churu và Kaho dùng các thứ cây dong gak, dong-me, dong-krané và dong-se làm men.
    Dong-me là một loại cỏ, thân cao từ 1 thước đến thước rưỡi, lá nhỏ như lá me rèng, hoa trắng. Rễ dong-me rửa sạch, sao cho vàng dùng làm men.
    Dong-se thuộc loại cây giây leo, có bông trắng và to, giây và hoa đều dùng làm men được cả.
    Dong-gak là loại cỏ, thân cao, lá dài, đầu lá hơi tròn, có hoa trắng. Hoa và rễ dong-gak được đồng bào lấy đem phơi khô, tán nhỏ làm men. Rễ dong-gak tuy làm men được, nhưng ít khi đồng bào dùng nguyên rễ không, phải trộn thêm bột hoa để rượu khỏi bị đắng.
    Dong krané cũng giống dong-gak nhưng hoa màu ngà vàng, rễ, cây và lá dong-krané phơi khô, tán nhỏ đều dùng làm men được cả.
    Các loại cây trên, sau khi đã tán nhỏ phải trộn chung với gạo rồi nắm lại, ủ bằng vải hoặc lá chuối, để chừng một tuần lễ cho lên mốc. Nếu mốc xanh thì rượu sẽ ngon và để được lâu, mốc vàng, rượu sẽ chua mất ngon.
    Cách chế men và làm rượu của đồng bào Thượng giản dị như vậy nên tửu độ thường nhẹ, nhưng nếu uống nhiều, những người tửu lượng kém cũng không chịu thấu đến hai tuần rượu.

C- NGHI THỨC UỐNG RƯỢU

Uống rượu cần là một thú tiêu khiển đặc biệt của đồng bào Thượng. Trong những tháng nhàn rỗi, dù không phải ngày Tết, năm ba người hàng xóm sang chơi, chủ nhà hào phóng, sẵn rượu cũng có thể vác luôn một ghè ra đãi.

Hết ghè rượu, còn vui chuyện, cả chủ lẫn khách lại kéo sang thăm nhà khác và tiếp tục khật khưỡng bên những vò rượu quanh bếp lửa, chuyện nở như pháo, cười như phá. Những bữa rượu bất thường này đôi khi cũng lôi kéo cả buôn nhập cuộc và cũng vui không kém ngày Tết.
Trong những ngày lễ hoặc trong những dịp có khách lạ tới thăm mà dùng tới rượu cần để đãi thì nghi thức uống rượu lại là cả một vấn đề trịnh trọng, phiền toái.
Đồng bào Thượng cho rằng rượu cần không phải do người sáng chế mà do chính Yang (Trời) đã sai thần linh xuống dạy cách chế tạo. Ngay trong huyền thoại về nguồn gốc, người Rhadé đã kể như sau:

“Thời khai sơn phá thạch, thần Tạo hóa (Yang) thấy người Rhadé không biết làm ăn gì cả, thổi cơm cũng không biết, nấu rượu cũng chẳng hay, hạt ngũ cốc thì cho là đắng không ăn, chỉ dùng cám làm thức ăn nhật dụng. Thần Tạo
hóa liền phái con là thần Y-Rim xuống khai sáng cho người Rhadé.

Gặp người Rhadé, thần Y-Rim nói: Yang phái ta xuống đây để dạy các người thổi cơm, làm rượu. Từ đó, ngày này qua ngày khác, thần Y-Rim cố gắng dạy cho người Rhadé biết nấu cơm, thổi xôi để ăn.

Khi người Rhadé đã biết thổi cơm, nấu xôi, thần lại dạy họ lấy gạo ngâm vào nước và dẫn họ vào rừng kiếm lá và củ gừng dại (kuâeh eya) đem về tán nhỏ, trộn với gạo ngâm và viên thành từng viên nhỏ đem phơi làm men, đoạn thổi cơm, trộn với men làm cốt rượu (cua eba). Đem cốt rượu đó bỏ vào ghè, chừng năm ngày sau, lấy lá cây đậy lại, khi uống, đổ nước vào ghè cho đầy, đoạn cắm một ống trúc nhỏ vào mà uống.

Thần Y-Rim còn căn dặn: ‘Khi nào các ngươi muốn có sức mạnh hay muốn vui vẻ để phá rừng, làm rẫy, dựng nhà .
thì các ngươi cứ uống rượu này cho nhiều, yếu sẽ thành khỏe, buồn trở nên vui'”

Lòng tin đã đẻ ra rất nhiều nghi thức uống rượu rất phức tạp và tùy theo từng vùng, từng bộ lạc, nghi thức uống rượu ngày Tết, ngày lễ hoặc đãi khách mỗi nơi một khác. Nếu kể cho hết cần có cả vài trăm trang sách.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ có thể mời độc giả du xuân tại một buôn Thượng của người Bonam vùng An Lão – Bình Định.

ruou can tay nguyen y mien ho chi minh 4 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Nghi thức uống rượu cần Tây Nguyên

Du khách đến thăm một nhà nào trong buôn, chỉ trong chốc lát, khách sẽ được cả buôn đổ tới đón tiếp. Khi chủ nhà bưng ghè rượu ra, lập tức mấy nhà lân cận cũng bê rượu tới đãi khách, một vài người khác đi lấy nước.
Các ghè rượu được buộc vào những cây cột cắm từ mặt sàn xuống đất. Chủ nhà lần lượt mở lá bịt miệng ghè ra, đoạn cắm những chiếc cần lút xuống tận đáy ghè.

Cần rượu làm bằng thân cây lòng bong khô đã được rút lõi. Các ghè rượu đã sửa soạn xong, chủ nhà múc nước đổ đầy đến miệng ghè. Nước bao giờ cũng phải đổ đầy miệng ghè, nếu đổ vơi là không quý khách.

Các ghè rượu đã sửa soạn xong, chủ nhà thay mặt tất cả những người có mặt mời khách, chúc khách mọi sự bình an và được như ý trong thời gian thăm buôn. Sau đó, chủ nhà một tay phải cầm cần, tay trái đặt lên miệng vò, mắt ngước lên trời đọc lời chúc theo cổ tục:

“Mách ỏ rạ, mách tổ ỏ rạ, quệt am ỏ rạ” (Có nghĩa: anh em vui vẻ ăn uống, cùng cầu, cùng xin anh em thương yêu, xin trời cho, trời giúp.)
Đọc xong lời chúc, chủ nhà trịnh trọng đặt một chiếc cần vào tay khách và tự lấy một chiếc khác, uống một hớp trước rồi mời khách nâng cần. Khách uống xong, những người chung quanh mới cầm cần để uống.

Nếu khách không có tửu lượng cao thì trong tuần rượu nhấp giọng này chớ có uống nhiều, những tay sâu rượu cũng chớ thấy rượu ngọt và quá nhẹ mà coi thường. Sang tuần thứ hai, khách sẽ thấm.

Mỗi người nhấp giọng qua đợt một, chủ nhà sẽ lại lấy nước đổ cho đầy vò và lại mời khách. Lần này, chủ nhà cầm sắn một tô nước, khách uống đến đâu lại đổ cho đầy tới đó.
Khách không còn cách nào khác hơn là cố mà uống cho tô nước trên tay chủ nhà cạn mới thôi, mới thực bụng với chủ.

Những người khác thấy khách còn kham được nữa, rất có thể sẽ nhảy vào, mỗi người chuốc khách một bát. Để đáp lại, khách cũng sẽ mời lại những người đã mời mình như vậy và chắc chắn không bao giờ bị từ chối.

Rượu cần tuy nhẹ hơn các loại rượu khác, nhưng với cách chuốc rượu chí tình như vậy, dù là sâu rượu, khách cũng vẫn có thể ngã lắm. Nếu đã say, không thể kham nổi nữa, khách hãy nói thật, chủ nhà sẽ thông cảm chấm dứt cuộc vui.


Một năm, đồng bào Thượng có cả 3, 4 tháng thảnh thơi sau mùa gặt hái, đó là các tháng Mười một, Chạp, Giêng,
Hai âm lịch. Trong những tháng này, lễ lạt, Tết nhất liên miên và rượu cần đã mang xuân bất tận đến cho đồng bào
Thượng. Quanh vò rượu, luôn luôn có những cuộc mứa hát tưng bừng, chiêng trống inh ởi và những tràng cười giòn tan, thanh thoát.

Trích: Tết Việt

Tác giả: Nguyễn Trắc Dĩ

3. Thông tin sản phẩm Phần Mềm Gia Phả

Ngày Tết cổ truyền (Tết nguyên đán) là một truyền thống của Việt Nam, ngày tưởng nhớ và hội tụ của ông bà đã khuất theo quan niệm xa xưa. Gia Phả là một sản phẩm giúp chúng ta ghi nhận thông tin dòng họ qua nhiều thế hệ

Chúng tôi có những sản phẩm phần mềm gia phả chuyên dụng hỗ trợ người dùng làm gia phả nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại:

+ Quản lý Gia Phả (bản Offline)

+ Gia phả Đại Việt (bản Offline)

+ Gia phả số Đại Việt Trực Tuyến (bản Online):

• Ra mắt từ tháng 7/2023, Gia Phả Số Đại Việt như một giải pháp Số toàn diện giúp các dòng họ xây dựng Gia phả đẹp, chuyên nghiệp, tiện lợi

• Tính năng kế thừa từ 2 sản phẩm ĐỨNG ĐẦU thị trường được phát triển từ 2011 (Phần mềm quản lý gia phả, Gia phả đại việt)

z5079229427600 5eb80f373e619a73e9586216bd8828a6 2 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Mẫu phả đồ gia phả số Đại Việt trực tuyến_Tùy chỉnh thẻ ngang dọc

4. THÔNG TIN LIÊN HỆ

•Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến

•Tòa Trinity Tower, số 145 đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội

•Số điện thoại hỗ trợ: 0979.33.88.11 (ZALO) hoặc 024.378.77529

•Hòm thư hỗ trợ: hotro@giaphadaiviet.com

Facebook hỗ trợ: Gia Phả Đại Việt