I. Nội dung tác phẩm “Quan Thượng Thưởng Xuân” của tác giả Phù Lang Trương Bá Phát
Tháng Bảy năm Nhâm Thân 1812, Gia Long hạ lịnh cho Tả quân Lê Văn Duyệt trấn nhậm Gia Định tới năm Bính Tý 1816.
Quyền lực rộng, oai nghi lớn, Tả quân Duyệt thực hành đúng vương quyền của nhà Nguyễn ở trong xứ và trên Cam Bốt.
Trong việc cai trị miền Nam có Trương Tấn Bửu làm phó (Hoàng Việt, tr. 329).
Bắt đầu lúc Tả quân trấn nhậm, mối bang giao giữa Việt và Xiêm còn ở điểm chết.
Năm Gia Long thứ 12 (Quý Dậu 1813, sau tháng Hai, trước tháng Sáu), vua Gia Long xuống chiếu cho Tả quân Duyệt, quan Hiệp trấn Ngô Nhân Tịnh đem chiến thuyền hơn 13.000 quân sĩ đỡ đầu Quốc vương Cam Bốt là Nặc Ông Chân và gia quyến đã chạy sang nước ta vì bị các em dùng thế lực quân Xiêm tranh giành ngôi trở về nước.
Chiếu truyền ban Nặc Ông Chân 3.500 lượng bạc, 5.000 quan tiền, 10.000 hộc gạo.
Lịnh truyền xây cất lại thành Nam Vang và Chưởng cơ Nguyễn Văn Thoại hay là Thoại Ngọc Hầu với hơn 1.000 binh đóng giữ Nam Vang cùng bảo hộ nước Cam Bốt (Nhu Viễn, tr. 77, 79).
Quân ta đắp hai thành, dựng đài An Biên; trên đài có xây một căn nhà gọi là Nhu Viễn đường, để làm nơi cho Phiên Vương bái vọng (Bản triều bạn… tr. 21).
Phiên Vương hay gọi khác là vua Cam Bốt Nặc Ông Chân.
Sách không nói hướng chánh của căn nhà ấy, song tác giả đoán chừng là nó phải day mặt về phía Tây Nam, chiều đối chiếu lại vị trí của Kinh thành Huế, vì khi vọng bái Vua Cam Bốt phải day mặt về hướng Đông Bắc. “Phiên Vương dâng 88 con voi, Duyệt thấy rằng Phiên quốc đang trong lúc xây dựng lại đất nước, kho tàng hãy còn trống rỗng, nên xin chu trích một số bạc ở kho ra để hoàn lại giá 88 con voi ấy” (Bản triều bạn… tr. 21).
Thời gian cai trị miền Đồng Nai lần đầu, Tả quân Duyệt làm cho Nặc Ông Chân phải một phen hồi hộp nhơn vụ Tết Nguyên đán.
Số là ngoài lễ cống hằng năm, vua Cam Bốt còn phải xuống chầu nhơn dịp Tết Nguyên đán. Năm ấy, vua Miên xuống dự lễ; thay vì ở trong thành Phan Yên lại ra Sài Côn thị (tức Chợ Lớn ngày nay] để nghỉ đêm.
Hôm sau trống điểm canh năm, Tả quân và tiểu trào hành lễ tại Vọng Cung lại vắng mặt Vua Cam Bốt. Tả quân nhứt định không chờ, đến khi lễ tất, vua Cam Bốt mới cho người đem lễ vật tiến vào.
Tả quân chiếu điển lệ, phạt vua Cam Bốt phải đóng ba ngàn lượng bạc tiền vạ mới cho về nước. (V.H. Sển, tr. 61).
Lúc bấy giờ, thành Bến Nghé xây cất rồi từ năm Canh Tuất 1790 (Sển, tr. 48) gọi là Quy Thành, vì theo cặp mắt của khách từ trên cao ngó xuống, thấy nó như là con rùa lớn.
Quy Thành có cả thảy tám cửa đổi tên qua lại, khiến bạn đọc phải rối óc. Tôi xin thông dịch rành về tám cửa này.
Lúc xưa định phương hướng khác hơn bây giờ nên tôi cũng phải tùy theo hồi ấy.
Tả [bây giờ thì hữu] hay là hướng Đông có hai cửa: Chấn Hanh [ở lối cuối đường Lê Thánh Tôn bây giờ] và Cấn
Chỉ [ối đường Hồng Thập Tự bây giờ]. Sau đời Minh Mạng đổi lại:
Hoài Lai môn và Phục Viễn môn.
Hữu [bây giờ thì tả] hay là hướng Tây có hai cửa: Đoài Duyệt [ở gần góc đường Gia Long và Công Lý bây giờ] và
Tốn Thuận [ở gần góc đường Hồng Thập Tự và Công Lý bây giờ].
Sau Minh Mạng xuống chiếu đổi lại:
Tuyên Hóa môn và Định Biên môn.
Tiền [bây giờ thì Nam] cũng có hai cửa: Càn Nguyên [cửa này ở ngả tư đường Tự Do và Lê Thánh Tôn bây giờ] và
Ly Minh [ở gần đường Mạc Đĩnh Chi nếu đường này nối và đường Lê Thánh Tôn bây giờ].
Về lúc trào Minh Mạng hạ chiếu thay lại:
Gia Định môn và Phan Yên môn.
Hậu [bây giờ thì Bắc] cũng có hai cửa: Khôn Hậu [cửa này nay ở lối góc đường Duy Tân và Phan Đình Phùng bây giờ] và Khảm Hiểm [gần góc đường Mạc Đĩnh Chi và Phan Đình Phùng bây giờ].
Trào Minh Mạng, vua sửa lại:
Cộng Thìn môn và Vọng Khuyết môn.
Xây cất Quy Thành theo thể cách Vauban mà đặt tên tám cửa theo Tàu, vì mượn tên trong bát quái mà đặt.
Tóm lại, Quy Thành nằm trong khoảng các con đường này:
Đông, đại lộ Cường Để và Đinh Tiên Hoàng,
Tây, đường Công Lý.
Bắc, đường Phan Đình Phùng.
Nam, đường Lê Thánh Tôn.
Duy có hướng bắc thì tường thành không tới lề đường Phan Đình Phùng còn ba mặt kia tường thành đều chờm ra khỏi ba đường (Hình số III Bản đồ trong sách V.H. Sền).
Sau Minh Mạng truyền lịnh phá hủy Quy Thành vì Lê Văn Khôi làm cách mạng võ trang ở Lục tỉnh Nam Kỳ, từ tháng Năm năm Quý Tỵ (1833), rồi Khôi rút vào thành này cố thủ, đến tháng Bảy năm Ất Mùi (1835), Quy Thành mới bị binh trào đoạt lại. (Trần Trọng Kim, tr.187 và 188).
Bạn đọc nhóm ý đặng chỗ nằm của Quy Thành, bây giờ tôi xin tiếp tục nói về Tả quân.
Công thự của Tả quân ở lối đường Thống Nhứt và Hàn Thuyên, bây giờ nghĩa là gần tới dinh chủ giáo chỗ nhà sách
Liên Châu bây giờ.
Bà Tả quân lại ở riêng ra, ngoài thành chỗ dinh Độc Lập bây giờ và gọi là dinh Bà Lớn (Pétrus Ký, tr. 29).
Trước ngày 16 tháng Giêng, quan Thượng ăn chay, tắm gội cũ kiêng, giữ mình cho trong sạch, ý tưởng không cong vạy.
Đến ngày ấy, Tả quân mặc đồ đại trào, vào hoàng cung bái lễ. [Ở trên cao ngó xuống hoàng cung này có hình vuông vức, một cạnh ở vào lối lề bên trái đường Thống Nhứt, cạnh giao mặt ở lối đường Nguyễn Du chạy dài qua khỏi đường Hai Bà Trưng, hai cạnh song song khác một cạnh khỏi đường Hai Bà Trưng chạy lên lề bên trái của đường Thống Nhứt, cạnh nữa chạy từ chỗ xéo đường Nguyễn Du lên lề trái đường Thống Nhứt ].
Sau ba tiếng súng thần công, Tả quân lên kiệu trước mặt có binh đi xa xa và sau lưng có quân theo. Có khi Tả quân ra cửa Càn Nguyên hay gọi là Gia Định môn hoặc khi khác ra cửa Ly Minh hay gọi khác là Phan Yên môn, hướng về phía Chợ Vải, nghĩa là hướng Tây, quẹo lên đường Công Lý hiện nay, tiến về phía Mô Súng [chỗ này có tên khác là Đồng Tập Trận, hoặc là Đồng Phú Thạnh, tên này hiện nay còn dùng như đình Phú Thạnh, Pháp thì gọi là “Đồng của Hình Nhiều Góc” (champ du polygone, Pétrus Ký tr.19) hoặc là Đồng Mả Mồ (plaine des Tombeaux) vì xưa kia chỗ này minh mông đồng trống dẫy đầy mả mồ, không phân biệt đặng ranh giới].
Từng chập lính pháo thủ bắn đại bác, quân sĩ chia hai mặt đánh nhau.
Tượng binh cũng tập dượt, tấn thối có chiến pháp, day trở có phương lược.
Đây là ngày Tết, tượng binh chỉ diễn hành phô trương vậy thôi.
Thời giờ của Tả quân có hạn, Tả quân còn phải xem xét Thủy Xưởng và chứng kiến một cuộc tập thủy chiến nữa.
Tập tượng quân theo ngày thường như vầy:
“… Dùng voi trận thì dùng voi phá ba lũy tre, sau lũy có quân lính có súng đứng nấp; hỏa pháo, chiêng, trống, đồng thời hò hét khua dậy làm cho voi khiếp đảm.
“Khi một chiến lũy bị voi xông phá, quân sĩ lại lui về nấp ở chiến lũy sau.
“Ở mặt lũy thứ nhất và giữa các mặt lũy khác đều có đặt những bồ nhìn cầm gậy làm binh khí.
“Mỗi con voi trên có quản tượng, đằng sau voi có nhiều lính cầm gậy để thúc voi phải tiến và ngăn không cho lùi lại. Khi cả ba lũy đều bị voi xông qua được, quản tượng và quân sĩ lại hết sức hò hét quát tháo xua voi trở lại chỗ cũ và lập một trận giả khác. Cứ như thế tập đủ ba lần liền rồi mới lịnh truyền cho voi nghỉ…” (Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, tr. 48).
Bây giờ trở về với Tả quân. Người đi vòng quanh theo hào thành [không biết hồi bấy giờ là đường gì, sau Pháp kêu là đường Mọi (rue des Moïs) và hiện nay là đường Phan Đình Phùng] xuống xem xét Thủy Xưởng [chắc ở sở Ba Son bây giờ].
Mãn cuộc, Tả quân vô thành có lẽ là cửa Cấn Chỉ hay gọi khác là Phục Viễn môn.
Trong lúc những cuộc lễ, tập trận, thường dân đốt cháy, gây tiếng động cốt là làm ồn ào lên để đuổi tà ma quỷ mị ra khỏi nhà họ (Pétrus Ký, tr. 16).
Ngày thường Tả quân còn coi đá gà, còn xem hát bội, huống hồ chi ngày Tết là ngày vui vẻ nên Tả quân thường giải trí trong các trận đá gà và hát bội.
Trường gà cũng gọi là nhà hoa, trường hát bội cũng gọi là nhà hát, sân bắn ná gọi là trường ná đều ở ngoài thành từ lối Tòa Tư pháp bây giờ, dinh Độc Lập và trường học J. J.
Rousseau của Pháp hiện nay (Pétrus Ký, tr. 29, 32).
Có lẽ thời Tả quân cai trị là thời vàng son của các tay đá gà và các nghệ sĩ hát bội.
Lúc cai trị Lục tỉnh lần thứ nhứt này, có lần Tả quân phải thân chinh ra Quảng Ngãi để trừ bọn mọi. Việc kể cũng là lạ và làm cho oai Tả quân càng lên cao mà duy có Bản triều bạn nghịch liệt truyện nói đến mà thôi.
“Số là năm Gia Long thứ 14, Ất Hợi 1815 [tháng Sáu, Nguyễn Triệu, Văn Hóa Ng.S. số 45, 1959], bọn mọi dữ ở tỉnh Quảng Ngãi lại ra quấy nhiễu dân cư nơi biên giới.
Quan trấn thủ Phan Tấn Huỳnh đem quân đánh với chúng bị thất bại. Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt lại đem quân tới. Bọn mọi dữ biết tin, đều liền trốn hết. Duyệt tâu xin đắp thành Bình Man, ngoài cắm chông, dưới chân thành thì đào hào, phía bắc tới Gia Tiên, giáp phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam; phía nam tới Đồng Xanh, giáp phủ Y Nhân (Đồng Nhân), tỉnh Bình Định, được 37.479 trượng ta, đề sáu cơ binh trấn giữ.
“Xét ra ông Lê Văn Duyệt tới Quảng Ngãi tất cả bốn lần để kinh lý các việc biên giới. Bọn mọi dữ Thạch Bích (Đá Vách) nghe được, liền trốn hết, không dám kháng cự. (Bản triều…, tr. 24, 25).
Thật ra, bốn tiếng “Nam tảo Bắc trừ” dùng đối với Tả quân rất đúng lắm vậy.
Trích: Tết Việt
Tác giả: Phù Lang Trương Bá Phát
II. Thông tin sản phẩm Phần Mềm Gia Phả
Ngày Tết cổ truyền (Tết nguyên đán) là một truyền thống của Việt Nam, ngày tưởng nhớ và hội tụ của ông bà đã khuất theo quan niệm xa xưa. Gia Phả là một sản phẩm giúp chúng ta ghi nhận thông tin dòng họ qua nhiều thế hệ
Chúng tôi có những sản phẩm phần mềm gia phả chuyên dụng hỗ trợ người dùng làm gia phả nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại:
+ Quản lý Gia Phả (bản Offline)
+ Gia phả Đại Việt (bản Offline)
+ Gia phả số Đại Việt Trực Tuyến (bản Online):
• Ra mắt từ tháng 7/2023, Gia Phả Số Đại Việt như một giải pháp Số toàn diện giúp các dòng họ xây dựng Gia phả đẹp, chuyên nghiệp, tiện lợi
• Tính năng kế thừa từ 2 sản phẩm ĐỨNG ĐẦU thị trường được phát triển từ 2011 (Phần mềm quản lý gia phả, Gia phả đại việt)
III. Thông tin liên hệ
•Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến
•Tòa Trinity Tower, số 145 đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội
•Số điện thoại hỗ trợ: 0979.33.88.11 (ZALO) hoặc 024.378.77529
•Hòm thư hỗ trợ: hotro@giaphadaiviet.com