Vào dịp lễ Tết tất cả mọi nơi đều khoe sắc hoa Mai, Đào, Quất…, mọi người nô nức sắm tết, dọn dẹp nhà cửa, vui tết đoàn viên. Mỗi nơi sẽ có những phong tục đón Tết khác nhau. Mời quý đọc giả cùng tìm hiểu về tác phẩm “Mùa lễ Tết trên cao nguyên” của các giả Nguyễn Văn Nghiêm

I. Nội dung tác phẩm

Tại các tỉnh Đắk Lắk, Pleiku và Phú Bổn, đồng bào Thượng Rhadé và Jarai có những tiếng Hruê chỉ ngày, Mian chỉ tháng, Thun chỉ năm.

Lại cũng có những tiếng Yăn chỉ mùa, Yăn-Bhang chỉ mùa tạnh ráo (khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch), Yăn Hơjan chỉ mùa mưa (khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch).

Còn khoảng thời gian ở giữa Yăn Hơjan và Yăn Bhang (tháng 12 và tháng 1 dương lịch) được gọi là Yăn Puih. Puih do tiếng Angin Puih là gió cuốn đi nên có thể dịch Yăn Puih là mùa gió.

Lễ tết của người dân tộc ở cao nguyên
Lễ Tết của người jarai

Trong những tiếng kể trên có tiếng Mlan ngoài ý nghĩa chỉ tháng, còn có nghĩa chính chỉ Mặt trăng.
Như vậy đồng bào Thượng Rhadé đã xem sự tròn khuyết tuần hoàn của Mặt trăng để tính tháng và xem thời tiết để tính mùa.

Mỗi năm có 3 mùa, bắt đầu từ mùa tạnh ráo, gió xuân về, trời cao nguyên trong vắt không gợn một chút mây, nắng vàng ấm, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa rừng đua sắc đua hương. Đến mùa mưa trời vẫn mây đen, mưa xối xả xuống núi rừng, ngoài ruộng, rẫy lúa cỏ vươn cao trông thấy; rồi đến mùa gió bấc lạnh lẽo thổi về, lá rừng đỏ vàng theo gió cuốn đi, trên đồi nương, lúa nặng trĩu những hạt vàng, đồng bào Thượng đem gùi ra tuốt lúa, xong là hết một năm.

Cách tính thời gian nói trên không riêng gì của bộ lạc Rhadé mà còn của các bộ lạc Thượng khác trên cao nguyên nữa.
Tuy nhiên, vì chưa có lịch, nên đồng bào Thượng không ấn định rõ ngày nào là ngày đầu năm và cũng không có tục lệ ăn Tết Nguyên đán vào ngày nhất định như đồng bào Kinh mà lại có cả một mùa lễ Tết linh đình.

Trong những lễ Tết của đồng bào Thượng Rhadé và Jarai có 3 loại lễ tết sau đây là quan trọng hơn cả:

  1. Lễ ăn cơm mới (Huă êsêi mrâo)
  2. Lễ uống mừng năm mới (Mnăm Thun)
  3. Lễ bỏ mả (Mnăm lui Msat)

1. LỄ ĂN CƠM MỚI (Hua êsêi Mrâo)

Khoảng tháng 10 dương lịch mùa gió sắp đến, lúa bắt đầu chín. Có nơi chín sớm, có nơi còn xanh.
Mỗi gia đình đem gùi ra tuốt lấy một vài gùi lúa chín sớm, đem về phơi, giã lấy gạo tổ chức lễ Huă êsêi mrâo.
Tùy theo sự giàu nghèo người ta giết gà, giết heo hay giết dê.

Screenshot 165 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Nghi lễ mừng cơm mới của người dân tôc gia rai

Lễ vật được đặt ở giữa nhà gồm một hay hai chóe rượu cần cột chặt vào một chiếc cọc, thịt và cơm để trên lá hay trên bát đĩa.
Gia chủ hoặc thầy cúng khăn áo chỉnh tề ngồi xổm trước lễ vật, hai bàn tay chắp lại, miệng khấn như sau:

“Lạy Thần Mtâo Kla, Thần HBia Klu, Thần Aê Du,
Thần Aê Diê, đã ban cho chúng con hạt giống, nào lúa, nào kê, nào vừng.
Chúng con cung thỉnh chư vị thần từ phía Đông dải ngân hà, nơi nguồn gốc của lúa, của vừng, của kê. Xin chư vị thần giáng lâm chứng giám lúa Hdrô đã già, lúa Bla đã chín. Xin chư vị thần thưởng thức lễ vật gồm trứng gà, gạo Bla mới.
Lạy thần Aê Mghi ở dưới đất, thần Aê Mghăn ở trên trời, chư thần coi sóc hạt giống nào kê, nào vừng, nào lúa, xin cho chúng con mỗi năm đầy gùi đầy vựa.
Chúng con tuốt một bông lúa được đầy một nắm tay, tuốt một bó lúa được đầy một gùi. Xin chư thần đem lúa trồng những trái bầu đến làng phía Tây, đem lúa trồng những bọc vải đến làng phía Đông, đổ lúa tràn trề đầy gùi, đầy vựa, nào lúa cũ, nào lúa mới, chồng chất lên nhau, lúa đổ tràn tới nóc, ứ đầy khắp nơi. Xin chư thần đừng bao giờ để cạn lúa trong vựa, lúa cũ, lúa mới luôn luôn chồng chất lên nhau.
Chúng con kêu gọi chu vị thần suối nhỏ chảy trong các khe, chư vị thần sông lớn chảy trên sườn núi, hết thảy chư vị thần sông suối về hưởng thịt gà, lúa mới, lúa đầu tiên.
Trên đây là những lời khấn của chúng con, xin hết”.

Lễ xong, lần lượt mọi người uống rượu cần, bắt đầu từ ông bà, cha mẹ, khách khứa, họ hàng rồi đến con cháu.
Người ta vừa uống vừa ăn cho đến bao giờ chóe rượu cần đã nhạt, thịt gà, thịt heo, thịt dê, cơm mới không còn mới thôi.
Lễ ăn cơm mới được tổ chức lần lượt hết nhà này đến nhà khác suốt mùa lúa chín, chừng nào hết mùa gặt thì thôi.

Các bộ lạc Thượng đã theo Thiên Chúa giáo như đồng bào Bahnar ở Kon Tum không còn cúng như trên nhưng cũng vẫn duy trì tục uống rượu cần, giết gà, heo, dê như cũ.
Riêng những đồng bào đã theo đạo Tin Lành thì đã bỏ uống rượu, nhưng lễ cơm mới vẫn được tổ chức trọng thể, không cúng thần, chỉ cầu nguyện tạ ơn Chúa và uống nước ngọt thôi.
Trong những dịp lễ ăn cơm mới, từng đoàn con trai, từng đoàn con gái rủ nhau túm năm, tụm ba đi từ nhà này sang nhà khác uống rượu, ăn thịt, ăn cơm, mặt đỏ tưng bừng, nô đùa vui vẻ.

2. LỄ MNĂM THUN

Đồng bào Thượng Rhadé có câu ca dao:

  • Leh đã êngoh, doh puôt, khuôt êa hlĩm hian.
  • Phung anak Êdê-Ga khăng huă blăm, mnăm thun, bống un kbao.
  • Hết lạnh rồi, lúa tuốt xong, nước mưa nguồn đã cạn.
  • Đồng bào Thượng thường ăn lễ lớn, uống mừng một năm, giết trâu giết heo.

Nhưng lễ Mnăm Thun không phải là lễ của toàn thể mọi gia đình như lễ ăn cơm mới. Chỉ những gia đình Rhadé giàu có mới giết trâu heo, tổ chức lễ này để cầu cho gia đình mạnh khỏe và làm ăn thịnh vượng. Tùy theo nhà giàu có, tùy theo số khách khứa họ hàng được mời đến dự, gia chủ giết một, hay hai ba trâu. Số trâu bò heo dê càng nhiều chừng nào, càng đánh giá tầm quan trọng của buổi lễ.

A – Trồng cột Blang Kbâo

Gần đến ngày lễ Mnăm Thun gia chủ cử người vào rừng chặt cây tre, cây gòn (blang) về làm một cột blang kbâo. Cột blang kbảo giống như cây nêu của đồng bào Kinh nhưng ý nghĩa và sự hữu dụng của nó khác hẳn.
Một cột Blang trồng ở giữa cao 5 – 6 thước tây. Trên cùng là bàn thờ ông bà giống như một chiếc kiệu nhỏ của đồng bào Kinh. Linh hồn ông bà sẽ về ngự trị trên chiếc kiệu đó.

Dọc thân cột có cắm những lưỡi dao tượng trưng cánh tay thần và một hình mặt trăng lưỡi liềm tượng trưng sức mạnh của thần linh.
Xung quanh cột blang có cắm 8 cành tre cao ngất, đầu mỗi cành tre có 1 sợi dây tre có những tua bông treo lơ lửng và buông rũ xuống. Những dây tre ấy theo gió đung đưa ngụ ý chào mừng vong linh của ông bà về dự lễ.

Xung quanh chân cột blang là 4 cột blang ngắn để buộc trâu. Trên mỗi cột đều có vẽ những hình tượng trưng đàn chim bay, hoa knia, phên đan, v.v. bằng nước vôi hòa với máu trâu. Theo tục lệ cột blang phải xong trước buổi lễ 1 ngày.

Khi dựng cột, gia chủ phải tổ chức lễ mời ông bà về ngự trị trên cột blang. Cột blang kbâo ở bộ lạc Churu, Koho gọi là cột knơng. Khi dựng cột, thầy cúng phải vừa khấn vừa múa chạy xung quanh knơng. Mỗi cột blang kbáo buộc một con trâu. Nếu giết ba trâu thì phải trồng ba cột blang kbâo.

B- Lễ chém trâu

Đến giờ hành lễ, mọi người đứng vây tròn xung quanh cột blang kbâo. Chiêng trống cồng nổi lên những điệu nhạc dồn dập như thúc giục người ta ra trận. Một thanh niên được lựa chọn để chém trâu.

Anh chạy theo con trâu vòng quanh cột blang, tay cầm con dao kgă, vừa chạy vừa múa dao lừa lúc thuận tiện, anh chém đứt khuỷu chân trái sau của con trâu. Bị đau con trâu chạy lồng lộn bằng 3 chân mau hơn. Anh lại chạy theo, vừa chạy vừa múa dao và lừa lúc thuận tiện, chém nốt khuỷu chân bên phải của con trâu. Con vật ngả khuỵu hai khuỷu chân sau xuống đất, lết quanh cột blang.

mua hoi co dam trau o tay nguyen 0938 20201217 897 142719 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Lễ chém Trâu ở Tây nguyên

Người thanh niên thay kgă, bây giờ anh cầm trong tay một chiếc giáo dài. Anh vừa chạy theo trâu vừa múa giáo theo nhịp điệu chiêng trống cồng trong khi mọi người reo hò vang trời dậy đất. Đúng lúc thuận tiện, anh đâm mạnh chiếc giáo vào sườn con trâu. Anh phải tính làm sao cho mũi giáo đầu tiên ấy đâm trúng ngay tim con vật, làm con vật chết ngay tức khắc, như vậy mới được dân làng khen là tài giỏi.

Con trâu vừa chết, những thanh niên lực lưỡng nhào ra phanh thây con trâu sau khi thầy khua iêo yang đã
hứng được một ít máu trâu vào trong một chiếc bát đồng có đựng rượu.

C- Lễ rửa chân

Thịt trâu được đem đến nơi hành lễ. Tại đó đã có 7 chóe rượu cột vào 7 chiếc cột chôn ở giữa sân. Người ta để thịt trâu trên tàu lá.
Gia chủ ngồi trước nơi hành lễ tay phải cầm một chiếc cần rượu, chân phải đặt trên một lưỡi búa có ý nghĩa cầu cho được mạnh như lưỡi búa. Thầy khua iêo yang tay trái cầm bát rượu hòa máu trâu, tay phải cầm một miếng bông gòn. Thầy nhúng bông gòn vào bát, bôi lên chân gia chủ.
Nếu gia chủ là một vị có uy quyền cai quản dân chúng, thần cúng sẽ khấn như sau:

“Hỡi chư vị thần linh, chúng tôi cung thỉnh chư vị thần ở trên trời, chư vị thần ở dưới đất, chư vị thần ở hướng
Đông, ở hướng Tây, ở hướng bộ lạc Bih, ở hướng bộ lạc
M’Nông, hãy đến hưởng những lễ vật trong buổi này.
Kính xin chư vị thần linh che chở, bảo vệ cho chủ nhân của chúng tôi, người mà chúng tôi coi như cha mẹ đã sinh đẻ ra chúng tôi. Kính xin chư vị thần linh ban cho chủ nhân của chúng tôi được nhiều sức mạnh, được sống hạnh phúc và trường thọ.
Chúng tôi cũng kính xin chư vị thần cây cối, thần cây đa Hra, thần cây Anguê, thần các vị thuốc ban phước
lành cho chủ nhân của chúng tôi. Hãy ban cho chủ nhân của chúng tôi đi tới đâu cũng được mọi sự sung sướng, chiếu phải trải ra, lễ tiệc phải linh đình, đông anh em, đồng bè bạn, được tất cả mọi người giúp đo.
Trên đây là những lời cầu nguyện của chúng tôi.
Xin hết”.

D- Lễ đeo vòng và uống rượu

Sau lễ rửa chân, thầy cúng cầm một chiếc vòng đồng đeo vào tay gia chủ, miệng khấn:

“Hồi chư vị thần linh, trên đây là vòng, dưới đây là rượu. Rượu đựng trong những chóe buộc chặt vào cọc.
Vòng sẽ được đeo vào tay chủ nhân của chúng tôi.
Kính xin chư vị thần linh ban cho chủ nhân của chúng tôi được sức mạnh, được mọi sự sung sướng, đầy đủ, được trường thọ như chiếc vòng này đã được làm dấu, đã được cúng trước chư vị thần linh và đã được đeo vào tay chủ nhân của chúng tôi.”

Sau lễ đeo vòng gia chủ uống rượu cần, ăn thịt nướng.
Buổi lễ coi như xong, mọi người bắt đầu uống rượu cần, ăn thịt nướng, ăn trứng gà, cơm lam, v.v.. Trong khi đó chiêng trống cồng vang rền từng hồi, từng nhịp như muốn đưa âm thanh vươn lên cao, tỏa ra xa bao trùm lấy những mái nhà sàn và rừng núi.

vong dong 2 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Lễ đeo vòng và uống rượu

Nhiều người đến dự lễ cũng mang theo rượu cần của họ. Người ta túm tụm xung quanh hàng trăm chóe rượu, những chiếc đầu châu vào nhau. Nơi đây kẻ lôi người kéo, nơi kia kẻ múc người mời. Những thanh niên thiếu nữ chạy đi chạy lại khiêng nước đổ vào những chiếc nồi đồng thật lớn để người ta múc thêm vào chóe rượu. Tiếng cười nói ổn ào xen với tiếng trống tiếng nhạc cồng thật là một buổi lễ tưng bừng náo nhiệt.

Người ta cứ ăn cứ uống kỳ cho đến no đến say, mắt lừ đừ mặt đỏ gay, mãi đến khi trời tối mịt và buổi lễ mới chấm dứt.
ở những bộ lạc Jêh và Koho dân làng thường tổ chức lễ chém trâu tập thể. Năm 1964, dân làng Jêh ở Daksut cũ chém 12 trâu. Trước chiến tranh trâu còn nhiều, có năm họ chém tới 27 con, và có khi lên tới cả 40 con.

Những lễ chém trâu tập thể như vậy thường linh đình hơn, và đã hấp dẫn rất đông dân làng các vùng lân cận đến tham dự.
Vài ngày sau buổi lễ, đồng bào Churu còn có tục lệ cúng tiễn ông bà ở cột knơng. Sau đó cây knơng cũng như cây blang kbâo được để tự nhiên. Nếu nó không chết, mùa mưa đến cột gòn đâm rễ, nẩy mầm và một cây gòn mới đã mọc.

Những người đi rừng, trông thấy những cây gòn mọc trên sườn đồi biết được rằng đã có một thời có một buôn sinh sống ở đây.
Cứ như thế, từ gia đình giàu có này đến gia đình giàu có khác, từ làng này đến làng khác, lễ Mnăm Thun được tổ chức suốt mùa tạnh ráo, chừng nào mưa xuống mới thôi.

3- LỄ BỎ MÃ

Trong nếp sống tín ngưỡng của đồng bào Thượng có lẽ bỏ mả là quan trọng nhất.
Đồng bào Kinh có tục lệ gìn giữ vĩnh viễn mồ mả của tổ tiên.
Đồng bào Thượng trái lại chỉ gìn giữ một thời gian rồi làm lễ bỏ mả. Đồng bào tin tưởng rằng người ta chết là do những ác thần gây ra. Người chết nằm trong mả như nằm trong nhà tù. Cần phải làm lễ bỏ mả linh đình để mua chuộc chư vị thần linh tổ chức tòa án phán xét linh hồn người chết, giải phóng cho linh hồn người chết được về buôn của những người đã khuất và được tự do đi lại ở trên trời.

le bo ma Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Lễ bỏ mã

Từ ngày làm lễ an táng đến ngày lễ bỏ mả, thời gian có thể dài hay ngắn, kéo dài từ 1 đến 7 năm tùy theo sự giàu nghèo của gia đình. Trong buổi lễ an táng, tang chủ hứa sẽ đem cơm ra mả và giữ gìn mả trong một thời gian. Hết hạn đã hứa, họ tổ chức lễ bỏ mả.

Lễ bỏ mả luôn luôn được tổ chức trong mùa tạnh ráo. Gặt hái xong, họ chuẩn bị thóc gạo để nuôi quan khách, ủ men chuẩn bị rượu đủ cho khách uống.

A- Lố báo cho người chết và công cuộc chuẩn bị làm lễ bỏ mả

Hai ngày trước ngày lễ bỏ mả, người ta làm lễ báo cho người chết. Lễ vật gồm một chóe rượu và cơm canh. Gia chủ khấn tin cho người chết biết kể từ ngày hôm nay họ bắt đầu đem dao, đem kgă vào rừng lấy vật liệu về làm nhà chòi, nhà cúng cơm, cột gơng kut, cột gơng klao và hàng rào mả.

Sau lễ đó, họ chia nhau thành nhiều toán, toán đi cắt tranh, toán đi chặt tre nứa, toán đi lấy cây, toán đi chặt vầu làm ống múc nước, toán đi lấy củi, toán giã gạo, v.v…

Mọi việc phải xong xuôi từ chiều hôm trước ngày lễ bỏ mả. Mả đã được rào bằng những khúc cây rừng có quét vôi trắng chôn dựng đứng ken sát lại với nhau. Bốn cột gơng kut đã được tạc những hình cái nồi, cái giế, được vẽ những hình tượng trưng con mối, đàn chim bay, hoa kniă (một loại cây tựa xoài rừng, quả nhỏ bằng 2 ngón chân cái) bằng nước vôi hòa với máu trâu, bây giờ được chôn xuống 4 góc mả.
Những nhà giàu còn tạc thêm tượng hình người, hình khỉ, hình voi đặt lên trên đầu cọc.
Hai cột gơng klao cao có khi tới 5 – 6 thước cũng đã được tạc hình quả bầu, cái giế, đầu con châu chấu, cái nổi, cái chõ đồ xôi, cái bát, v.v. và cũng đã được vẽ những hình tượng trưng như ở cột gơng kut. Hai cột này được trồng ở hai bên mả theo hướng Đông Tây của áo quan.

Một sơi dây bằng da trâu giảng ngang mả buộc vào hai cột. Nhà cúng cơm bằng phên đan có vẽ những hình tượng trưng như ở cọt guốg kút và gong klao. Nhà đặt trên 4 chiếc cọc cao chừng 1 mét 6 ở giữa mả.

Những nhà nghèo chỉ tạc 1 cột gơng klao dựng giữa mả và đặt nhà cúng cơm lên trên. Hình ảnh ấy làm liên tưởng đến kiểu kiến trúc chùa Một Cột của đồng bào Kinh.

Trên mả la liệt những chóe ghè, nồi niêu, bát đĩa, chai ly, áo vải, v.v.. Đó là phần gia tài chia cho người chết. Bốn phía xung quanh mả là bốn hàng chóe rượu cần được buộc vào bốn hàng cọc đóng thẳng tắp.

Đêm hôm đó, tất cả gia đình người chết và những người đến giúp việc đều ở lại trong chiếc nhà chòi dựng tạm ở ngay nghĩa địa. Họ đốt những đống củi để lấy ánh sáng và chuẩn bị “Mam Mut” là đêm nhập lễ.

B- Miam Mut hay là đêm nhập lễ

Cuộc chuẩn bị lúc chiều coi như đã xong, đêm hôm nay là đêm nhập lễ. Tang chủ giết 1 con trâu, sửa soạn 5, 6 chóe rượu để làm lễ, và đặt cơm cúng vào trong nhà cúng cơm

Xong lễ mọi người xúm lại uống rượu cần, ăn thịt trâu. Chiêng trống cồng và dàn sáo đing tut của các thiếu nữ
Khadé được trổi lên. Trong đêm khuya, tiếng âm vang đếntận những buôn làng xa thẩm như báo tin, như mời mọc, như thúc giục mọi người đến dự lễ bỏ mả.

Từ những buôn làng xa xôi ấy, ngay lúc trời còn tối đen như mực, người ta đã ơi ới gọi nhau.

Ơ ơi nao be ta! Ơ ơi nao tãn be!

Mau lên, mau lên đi dự lễ.

Trong đêm tối, những ngọn đuốc bập bùng nối đuôi nhau ẩn hiện trong lùm cây như những con trăn lửa từ nhiều ngả trườn về nghĩa địa.
Bất cứ buổi lẽ bỏ mả nào cũng đều hấp dẫn rất đông người đến dự, con số lên tới hàng trăm hay cả ngàn người, có khi tới 2.000 người.

Nghĩa địa mọi hôm im lìm vắng vẻ, hôm nay nhộn nhịp, náo nhiệt khác thường. Những người đến dự đều mang theo lễ vật. Vai họ oằn xuống dưới sức nặng của những chóé rượu, những gùi cơm lam, v.v.. Số chóe rượu trong buổi lễ vì thế lên đến hàng trăm, có khi đến 300 chóe. Còn số chiêng trống cồng cũng lên tới hàng chục bộ.

Tang chủ cũng lại quả cho họ mỗi người một vài khúc mía, một vài khúc cơm lam hoặc một vài củ khoai.
Người nào người nấy hôm nay đều mặc quần áo mới, màu đỏ màu đen chói chang dưới ánh nắng mùa hè. Các bà già và các cô thiếu nữ duyên dáng đeo đầy kiềng bạc, vòng bạc lớn ở cổ, ở cổ tay cổ chân.

C- Chính lễ bỏ mả

Khoảng 2 giờ chiều lễ chính thức bắt đầu. Tang chủ đứng trước mả và lễ vật vừa khóc vừa khấn lớn tiếng, giọng ê a buồn thảm. Thân nhân đứng vây xung quanh khóc lóc, kể lể thảm thiết như khóc người mới chết. Trong khi đó nhạc chiêng trồng cổng vẫn rộn ràng lấn át cả tiếng khắn lẫn tiếng khóc.

Tang chủ khấn như sau:

“Lạy thần xác chết, hôm nay áo quan đã làm rồi, đã đóng lại rồi, đã buộc lại rồi, đã chôn giấu rồi, các kũt cũng đã được tạc rồi, chúng tôi đem cơm đến đây cho thần ăn, đem rượu đến đây cho thần uống, bởi vì từ nay chúng tôi sẽ bỏ thần, chúng tôi sẽ quay lưng lại thần.
Đất đỏ ở dưới, đất đen ở trên, thần ở trong áo quan, thần ở trong mả, nhà của thần ở giữa rừng tranh, ở giữa rừng sậy, thần ở một miền đất khác, thần uống những dòng nước khác.
Xin thần đừng kêu gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con, đừng thương yêu cháu của thần nữa.
Từ nay chúng tôi sẽ không còn mang cơm, sẽ không còn mang nước, chúng tôi sẽ bỏ mả và không còn săn sóc mả nữa.
Nếu thần muốn ăn cơm, xin thần hỏi thần những vì sao, nếu thần muốn ăn thịt gà, xin thần hỏi thần Mặt trăng,
nếu thần muốn ăn thịt, ăn cá, xin thần hỏi thần cai quản trên trời, một vị thần khác sẽ săn sóc thần, một vị thần khác sẽ trông nom thần.
Thần đã chết thật rồi, đã tan rã thật rồi, thần là chim ó ở trong rừng rậm, thần là chim tlang hêa sống ở phương Nam.
Chúng tôi đã sửa sang mả rồi, đã tạc những cột kút, cột klao, đã vẽ những hình vẽ bằng máu trâu, máu bò rồi.
Thôi! Từ nay, thế là hết! Từ nay, thế là hết! Như lá m’nang đã lìa cành, lá mtêi đã tàn úa.
Từ nay không còn đào lỗ, không còn làm nhà chòi, không còn than, không còn khóc nữa. Sẽ không còn đem cua, đem tôm, đem cơm, đem rau đến mả nữa. Sẽ không còn để tang, sẽ không còn kiêng cữ nữa. Chóe rượu cúng ngok-bũ đã đặt xuống mả rồi; cây chuối, cây khoai đã được trồng lên mả rồi; con gà (tượng trưng cho linh hồn thứ ba của người chết: chim tlang hêa) đã được thả bay đi rồi, chúng tôi đã quên thần rồi, đã bỏ thần rồi.
Tôi chấm dứt lời khấn của tôi.
Lạy thần xác chết!”.

Khấn xong, tang chủ thả một con gà. Mọi người không ai được nhìn theo, mặc cho con gà bay vào rừng rậm. Từ nay nó sẽ là gà rừng, sẽ không được trở về trong buôn,
người ta sẽ xua đuổi nó vì tin rằng nó sẽ đưa bệnh dịch đến cho gà nhà.
Người ta đặt cơm cúng lên nhà để cơm, chôn chóe rượu cúng ngok bũ và trồng một cây chuối, một cây khoai môn lên trên mả.
Đồng bào Thượng Jarai ở Phú Bổn còn có tục cho thanh niên nhảy múa quanh mả để làm vui lòng vong linh người chết.

Buổi lễ chính thức như vậy đã hoàn toàn xong. Mọi người bắt đầu vào tiệc. Hàng ngàn người xúm xít quanh những chóe rượu cần.
Những người có uy quyền, những người già lão uống trước, sau mới đến thanh thiếu niên và trẻ con. Mỗi lần rượu trong chóe vơi đi họ lại múc nước lã trong những chiếc nồi đồng lớn đổ đầy vào chóe. Nhiều toán thanh niên nam nữ thay phiên nhau chạy đi chạy lại vác những ống tre, ống vầu, gùi trái bầu, khiêng nồi đồng đi lấy nước.

Những xâu thịt nướng, những gói thịt trâu thui, những gói lòng, gói tiết luộc, những gói cháo gạo giã, những gói trứng gà luộc, những ống cơm lam, v.v. bày la liệt xung quanh những chóe rượu.
Mọi người vừa uống vừa ăn, vừa lôi kéo mời mọc nhau, vừa cười nói ồn ào. Nhiều người có tài cất giọng ngâm nhưng bài thơ kể chuyện cổ tích, chuyện anh hùng ca.

Hàng trăm chiếc cồng cũng được đánh lên. Nhạc rền inh ỏi nhịp nhàng một điệu lấn át cả tiếng cười nói, tiếng la hét, tiếng than khóc ở bên mả. Chẳng bao lâu họ đã say be bét. Nhiều ông già bà lão cũng loạng choạng đứng dậy nắm tay nhau nhảy múa la hét như thanh niên.

Quang cảnh trở nên hỗn độn. Nhiều người quá say nằm lăn xuống đất mà ngủ.
Đêm đến họ đốt lên những đống lửa thật to. Ánh sáng đỏ hồng rực rỡ cả một góc trời. Người tỉnh rượu nối tiếp kẻ say rượu cứ ăn cứ uống, cứ la hét, cứ ca hát, nhảy múa, đánh chiêng trống cồng suốt đêm cho đến mãi trưa ngày hôm sau mới ai về nhà nấy.
Tang chủ và gia đình, tất cả đều mệt mỏi nhưng hoàn toàn thỏa mãn tâm hồn. Cũng như lễ Mnăm Thun, lễ bỏ mả được tổ chức như thế liên tiếp từ buôn này sang buôn khác suốt mùa Blang.


Trên đây là những lễ tết cổ truyền của đồng bào Thượng ở cao nguyên. Từ năm 1954 trở lại đây, đồng bào Kinh lên cao nguyên mỗi ngày mỗi đông. Nhiều làng của đồng bào Kinh đã ở xen lẫn với những buôn của đồng bào Thượng. Số học sinh, quân nhân, công chức Thượng cũng gia tăng gấp bội ở các thành phố quận lỵ.

Tết đến, đồng bào Kinh sang các buôn mời những đồng bào Thượng quen biết đến lầng mình uống rượu ăn cơm.
Học sinh Kinh cũng mời học sinh Thượng bạn mình về nhà ăn mứt, ăn bánh. Những công chức quân nhân Thượng cũng ăn mặc quần áo mới, đến chúc Tết bạn hữu người Kinh. Gia đình họ cũng mua sắm bánh mứt, rượu gà về ăn uống.
Tập tục ăn Tết Nguyên đán dần dần đã bắt đầu ảnh hưởng đến đồng bào Thượng. Do đó trong ngôn ngữ của đồng bào Thượng Jarai và Rhadé đã có thêm một tiếng mới “Bơng Tit” đúng với ý nghĩa tiếng “ăn Tết” của đồng bào Kinh.

Trích: Tết Việt

Tác giả: Nguyễn Văn Nghiêm

II. Thông tin sản phẩm Phần Mềm Gia Phả

Ngày Tết cổ truyền (Tết nguyên đán) là một truyền thống của Việt Nam, ngày tưởng nhớ và hội tụ của ông bà đã khuất theo quan niệm xa xưa. Gia Phả là một sản phẩm giúp chúng ta ghi nhận thông tin dòng họ qua nhiều thế hệ

Chúng tôi có những sản phẩm phần mềm gia phả chuyên dụng hỗ trợ người dùng làm gia phả nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại:

+ Quản lý Gia Phả (bản Offline)

+ Gia phả Đại Việt (bản Offline)

+ Gia phả số Đại Việt Trực Tuyến (bản Online):

• Ra mắt từ tháng 7/2023, Gia Phả Số Đại Việt như một giải pháp Số toàn diện giúp các dòng họ xây dựng Gia phả đẹp, chuyên nghiệp, tiện lợi

• Tính năng kế thừa từ 2 sản phẩm ĐỨNG ĐẦU thị trường được phát triển từ 2011 (Phần mềm quản lý gia phả, Gia phả đại việt)

z5079229427600 5eb80f373e619a73e9586216bd8828a6 2 Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến Gia Phả của người Việt
Mẫu phả đồ gia phả số Đại Việt trực tuyến_Tùy chỉnh thẻ ngang dọc

III. THÔNG TIN LIÊN HỆ

•Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến

•Tòa Trinity Tower, số 145 đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội

•Số điện thoại hỗ trợ: 0979.33.88.11 (ZALO) hoặc 024.378.77529

•Hòm thư hỗ trợ: hotro@giaphadaiviet.com

Facebook hỗ trợ: Gia Phả Đại Việt