Qua thời gian, bức tranh lịch sử gia đình chúng ta mở ra như một cuộc phiêu lưu không ngừng. Gia phả – bản đồ ký ức của con người ghi chép về những dấu tích của thế hệ trước, như những dòng sông mạch lạc trong không gian thời gian.
Gia phả không chỉ là nhật ký, mà còn là chiếc cầu nối đưa chúng ta đến gần hơn với nguồn gốc. Câu chuyện gia đình chúng ta nằm giữa những trang sách gia phả như những trang kí sự. Để mở rộng trang sách này, chúng ta cần những câu chuyện, những hồi ức và những nỗ lực tìm kiếm.
Bài viết “Gia phả – lịch sử con người” là một hành trình khám phá về nguồn gốc của mình từ gia phả. Bài viết trên trang Tuổi trẻ cuối tuần chúng ta hãy cùng nhau khám phá và chia sẻ.
Nội dung bài viết “Gia phả – Lịch sử con người”
TTCT(Tuổi trẻ cuối tuần) – “Vấn tổ tầm tông” là một nhu cầu tâm linh truyền đời của người Việt. Trong cảnh lưu lạc tha hương, quyển phả như là một báu vật của niềm mong mỏi thân thích trùng phùng.
Quyển gia phả bên mình, người ta như còn được tinh thần tổ tiên phù trợ, như được gần chốn quê hương nguồn cội. Như hai câu đối Nôm được chép ngay trang đầu quyển gia phả họ Nguyễn ở làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định): “Trời đó nước non đây, xuân tự thu thường, tôn kính ngàn năm đồng một niệm – Con đâu cha mẹ đấy, tha hương cố trạch, tảo tần tấc cỏ đáp ba xuân”.
Quyển gia phả chữ Nôm của dòng họ Lê ở trại Khương Thượng, tổng An Hạ, huyện Hoàn Long (thuộc tỉnh Hà Đông xưa, nay là Hà Nội) soạn năm Khải Định thứ 9 (1924) có đoạn mở đầu rằng: “Đại phàm, nhà mà có gia phả không những là để xem từng đời ấy, đời khác mà thôi đâu, là có biết ông cha gầy dựng đã khó nhọc thời mới biết con cháu nối dõi không dễ dàng, là để tưởng nhớ người trước ở đời trước mà nhủ bảo người sau ở đời sau đó vậy!”.
Giữ nếp nhà, lo chí tiến thủ
Mục đích biên chép gia phả của người xưa chỉ đơn giản đôi điều, để con cháu biết rõ danh tánh, tuổi tác của tổ tiên và nguồn gốc quê hương, chi lưu của dòng họ.
Đa số các quyển gia phả có lời tựa mở đầu bằng câu: “Nước có sử, nhà có phả”, phả là sử của gia tộc, trong đó nội dung cơ bản là ghi chép họ tên, tự, hiệu, thụy (tên hèm/tên cúng cơm), ngày tháng năm sinh tử, nơi an táng, hành trạng, kết hôn với ai, sinh mấy con, bao lần dời đổi nơi cư ngụ… của từng thành viên trong họ tộc, theo từng đời.
Đối với việc ghi chép này, thế gia vọng tộc ngầm ý bảo con cháu cố giữ nếp nhà, lo chí tiến thủ để xứng với đời trước, giữ truyền thống lâu dài. Nhà thanh bần thì có thể nghĩ đơn giản hơn, nhằm để người trong họ biết sự quan hệ gần xa nội ngoại, ngừa cháu chắt đặt tên trùng với tên tiên tổ, tránh né việc cùng họ lấy nhau.
Chép gia phả không mất bao nhiêu công sức mà được lợi ích tốt đẹp nhiều lắm. Tiến sĩ thời Lê, ông Bùi Huy Bích viết rằng: “Những nhà sĩ phu nên mỗi đời một lần tu bổ gia phả”.
Người xưa chép gia phả bằng chữ Nho, truyền nối đời đời, cất nơi nhà từ đường, mỗi dịp giỗ kỵ trưởng tộc đem ra đọc cho dòng họ cùng nghe, để con cháu các chi các ngành biết tổ tiên của nhau, nếu trong họ mà có người hiển đạt thì thật là niềm kiêu hãnh cho cả gia tộc.
Việc biên chép gia phả là việc làm tự phát tự nguyện mà cũng là trách nhiệm của những thành viên có học thức trong họ tộc. Thông qua gia phả, người đời trước gửi gắm tâm nguyện, khích lệ ý chí phấn đấu cho đời sau. Lời tựa gia phả họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương có đoạn: “Đại Việt ta là nước văn hiến, phàm những thế gia đại tộc không nhà nào là không có gia phả, huống hồ đời nối đời dài lâu như họ Vũ cũng là sự hiếm…
Phàm là kẻ hậu tiến phải có chí noi theo bậc tiền nhân, dù hôm nay dù mai sau, hãy kế thừa chép nối các đời mãi mãi, để nhờ ơn oai linh phù trì của đấng Thượng thần, thừa hưởng phúc trạch di lại của chư vị tổ tiên mà đời đời khoa giáp, đời đời công hầu, đời đời khanh tướng, đời đời con cháu trường tồn cùng trời đất”.
Một nguồn tư liệu quý giá
Gia phả của những dòng họ lâu đời như họ Vũ ở Mộ Trạch, dòng họ Phạm Tu, dòng họ Nguyễn Bặc, dòng họ Đào Duy Từ, dòng họ Mạc Cửu… đã góp thêm nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử và địa dư. Sử dòng họ hòa với sử nước, tiểu sử các nhân vật có liên quan đến lịch sử đất nước được biên chép cẩn thận và tường tận trong các tộc thư tộc phả đã làm cho lịch sử nước nhà thêm sinh động và hấp dẫn.
Học giả Nguyễn Hiến Lê sinh ra lúc Hán học sắp tàn, ông viết trong hồi ký rằng mẹ ông mong muốn ông học tiếp chữ Nho để đọc hiểu được gia phả của tổ tiên để lại. Lý do của bà tuy đơn giản nhưng đã là động lực thúc đẩy vị học giả Tây học này học chữ Hán, rồi nhờ vậy mà ông thu được nhiều thành quả lớn lao qua các công trình biên khảo dịch thuật kinh điển triết học Trung Hoa.
Ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, người không chỉ say mê tìm đọc tộc thư tộc phả của dòng họ mình, quê hương mình mà còn dành nhiều chục năm nghiên cứu các đặc trưng và phương pháp làm gia phả của phương Tây, phương Đông, tìm đọc những bộ gia phả hàng ngàn năm của các dòng họ trong nước, xây dựng nền tảng cho ngành phả học Việt Nam hiện đại, nâng giá trị nhiều bộ gia phả thành những di sản quý báu.
Tiến sĩ sử học người Úc Li Tana đã ghi lời cảm nghĩ trong quyển Dõi tìm tông tích người xưa (*) rằng: “Là một phụ nữ, tôi vui mừng khi đọc những quan điểm của bác Dã Lan về gia phả học; gia phả ngày nay không nên ép buộc gò bó mãi trong lề lối cũ mà trái lại phải được xây dựng theo quan niệm mới… nên thêm ngành ngoại, tức là thêm cả con gái nữa chẳng hạn”.
Mươi năm gần đây, việc nghiên cứu gia phả theo phương pháp khoa học trở thành những chương trình có tổ chức liên ngành, liên quốc gia như “Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam” do Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất và chủ trì, cộng tác với các nơi như Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Alberta (Canada).
Với sự đóng góp kinh phí của EFEO, của Quỹ Ford và tổ chức Đại học khối Pháp ngữ (AUF), nhiều bộ gia phả cổ có giá trị lần lượt được biên dịch và xuất bản như Đinh tộc gia phả, Danh sách tổ tiên họ Lò Cầm ở Mai Sơn, Lê thị gia phả, Vũ tộc thế hệ sự tích, Nguyễn gia phả ký, Mạc thị gia phả…
Ở Sài Gòn, Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả thuộc Hội Khoa học lịch sử thành phố sau nhiều năm lăn lộn cũng đã làm được nhiều công trình mang tính chất phục hồi, truy tìm, xây dựng gia phả. Miền Nam đất mới, ít nhà có phả hoặc giữ được gia phả, hiếm hoi có được thì cũng chỉ là bảng “Tông chi tông đồ” ghi vắn tắt tên tuổi, ngày giỗ, nơi chôn cất ông bà vài đời, việc dựng phả cho những dòng họ có nhân vật quan hệ với lịch sử vùng đất này là một mục tiêu được lưu tâm.
Trong gần hai chục bộ gia phả mà Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả đã thực hiện, có vài bộ đáng lưu ý như gia phả dòng họ danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức, gia phả dòng họ chí sĩ Nguyễn An Ninh và bà Trương Thị Sáu (vợ ông Ninh), dịch và soạn tiếp tộc phả danh tướng Trương Minh Giảng, dịch bộ tộc phả danh thần triều Nguyễn Trần Tiễn Thành…
“Thấy người sang bắt quàng làm họ” không chỉ là thói nết ở bàn tiệc lễ đám, mà thi thoảng còn chen vào công việc dựng lập gia phả, nhiều người quyền thế phú hào thời nay chuộng mốt dòng dõi cao sang, sẵn sàng gắn danh thần, danh tướng vô hàng tiên tổ. Thú chơi dối lòng này trước mắt tuy không gây thiệt hại gì cho người khác nhưng về sau sử sách có cơ rối loạn.
Sử gia Trung Quốc hiện đại rất nổi danh là Tiễn Bá Tán trong bài ký “Dòng họ tôi, quê hương tôi” đã gợi một vấn đề đáng suy gẫm. Bằng tư liệu sử, Tiễn tiên sinh đã chứng minh dòng họ mình không phải là họ Tiễn – một nhánh họ cháu chắt của Hoàng Đế (một trong Tam Hoàng) rất danh giá – ghi trong sách Chu Lễ, mà họ Tiễn của ông vốn phát từ gốc họ Cáp và họ Cáp Lặc, thuộc một bộ tộc Hồi Tây Vực.
Đến thời Minh, một số người trong họ Cáp Lặc được Minh Thành tổ ban họ Tiễn, vì vậy họ của ông và họ Tiễn của người Hán chẳng chút quan hệ. Nhờ vào gia phả và cũng nhờ giỏi sử, cộng với tư cách con người, Tiễn Bá Tán đã giúp con cháu tránh sự ngộ nhận, và mặt khác, cũng cho giới nghiên cứu sử một kinh nghiệm quan trọng về phép khảo chứng, phân tích sử liệu.
Việc vấn tổ tầm tông là một nhu cầu tâm linh truyền đời của người Việt. Xét về căn nguyên thì ghi chép gia phả là chuyện riêng của từng tộc họ, vì nhiều lý do, người xưa kiêng kỵ việc cho người ngoài xem gia phả của dòng họ mình. Giữ gìn gia phả là trách nhiệm thiêng liêng, nhiều cụ già kể rằng vào thời chiến tranh loạn lạc Nam Bắc phân ly, người trưởng tộc, người con cả giữ gia phả ở đầu giường, trong tay nải, ngộ cơ bất trắc thì quyển phả là một trong những món phải chịu rời bỏ sau cùng.
Trong cảnh lưu lạc tha hương, quyển phả như là một báu vật của niềm mong mỏi thân thích trùng phùng, quyển gia phả bên mình, người ta như còn được tinh thần tổ tiên phù trợ, như được gần chốn quê hương nguồn cội.
Trang đầu quyển gia phả họ Nguyễn ở làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định có chép đôi câu đối Nôm, xin mượn để gửi tặng những người sống xa xứ sở họ hàng:
“Trời đó nước non đây, xuân tự thu thường, tôn kính ngàn năm đồng một niệm.Con đâu cha mẹ đấy, tha hương cố trạch, tảo tần tấc cỏ đáp ba xuân”.
(*): NXB Trẻ, xuất bản năm 1988.
Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn/gia-pha-lich-su-con-nguoi-533031.htm
Làm thế nào để có thể quản lý và tạo một bản phả đồ dòng họ vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí
Trước đây, việc làm gia phả thủ công tốn nhiều thời gian, chi phí, một thời gian sau phải thuê thiết kế lại khi có cập nhật thành viên, không chủ động trong quản lý.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ phát triển thì việc quản lý nhiều thành viên, nhiều đời vô cùng đơn giản khi có các loại phần mềm gia phả chuyên dụng hỗ trợ như:
+ Phần mềm Gia Phả Số Đại Việt