Bắc trung nam 3 miền như một, đều hào hứng đón chào cái Tết mỗi độ Xuân về. Nhưng tùy theo vùng miền mà có những tục lệ về ngày Xuân khác nhau.
Dưới đây mời các bạn đọc giả tham khảo bài viết với chủ đề “Cổ nhân va các tục lệ về ngày xuân” của tác giả Phạm Văn Sơn
I. Nội dung bài viết
Những dân tộc có ý thức văn minh, những dân tộc tranh đấu nhiều cho cuộc sống thường thường yêu đời hơn mọi dân tộc nào khác. Người ta đã nghĩ ra nhiều cuộc vui, nhiều tập tục đặc biệt để làm thỏa mãn cuộc sống đến mức tối đa về vật chất cũng như về tinh thần.
Người ta giải trí cho bõ những ngày làm vất vả, mệt nhọc và cũng tìm cách cởi mở những thắc mắc lo âu trong tâm hồn. Đó là hai việc song hành bởi nếu đầu óc còn chứa ít nhiều ưu phiền thì ăn chơi vui sướng làm sao được.
Xét về các cổ tục, các cuộc vui xuân của tiền nhân, chúng ta không thể không thấy quan niệm của ông cha chúng ta là như vậy.
Đọc sách cũ, người ta thường nhắc câu “Cổ nhân bỉnh chức” tức là người xưa đốt đuốc đi chơi đo ngày giờ từ sáng
đến chiều quá ngắn.
Tại đây ta nên nghĩ rằng cổ nhân ham vui không phải là vì quá phóng túng lãng mạn mà vì đã quá mệt mỏi sau những năm tháng tranh đua mệt nhọc cho sự no yên của nhà, của nước.
Cao Bá Quát cũng như Nguyễn Công Trứ đã từng biểu lộ ý kiến này qua câu:
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù
Nghề chơi cũng lắm công phu…
Cận lai nhiều người nhìn thấy ngày giờ đi vùn vụt cũng hoảng hốt, tính ba vạn sáu ngàn có sống trọn vẹn cũng chẳng được là bao, huống hồ
“Nhân sinh thất thập cổ lai hề”:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau…
Hôm nay, một ngày xuân nhật, mọi người chúng ta tưng bừng đón xuân vui vẻ không khỏi có chút bồi hồi. Chúng ta
hãy suy ngẫm những cổ tục về ngày xuân, về các trò vui trong ngày xuân để tìm hiểu ý nghĩa của nó.
Nước ta là một xứ nông nghiệp, lúa gạo, ngô, khoa, đậu đổ đứng hàng đầu thực phẩm.
Người dân phải chăm lo cấy cầy, cuốc xới mới được no đủ. Vì thế, chính quyền bao giờ cũng phải khuyến khích nhân dân chăm chỉ việc canh tác. Đúng ngày Lập xuân, xưa kia bao giờ nhà vua cũng cắt người tông trưởng cầm roi vút vào người con thổ ngưu (trâu đất) theo ý nghĩa trên đây rồi mới cùng các quan bước vào cung đình để yến ẩm.
Trong lúc này, từ nơi kinh kỳ ra ngoài dân dã, người ta đốt pháo mừng xuân. Pháo là các ống lệnh chứa thuốc nổ bên trong, thường đốt ở ngoài sân hay ngoài ngõ (không như ngày nay, pháo làm bằng giấy đỏ quấn thuốc nổ bên trong).
Người ta đốt pháo ngoài mục đích cho những ngày xuân đầu năm được rộn ràng náo nhiệt, vui cửa vui nhà còn ngụ ý xua đuổi tà ma và những sự đen đủi của năm cũ cũng như người ta trồng cây nêu ngoài sân, vạch những hình cung tên bằng vôi dưới đất.
Người ta cũng tin rằng vào dịp đầu năm, ma quỷ cũng được phóng thích để trở về dương gian quấy đảo loài người nên phải tìm cách ngăn chặn. Tiếng những cái khánh đất, chuông đất nung buộc trên ngọn nêu kêu leng-keng khi có gió thổi nhắc nhở chúng uy quyền của thần Phật, hình cung tên có mãnh lực của các vũ khí không thua gì những đạo bùa các thầy pháp dán ngoài cổng ngõ.
Ngày 23 tháng Chạp, nhà nào của chúng ta cũng làm lễ cúng Táo công và tiễn đưa Táo công lên thiên đình không ngoài mục đích cầu xin Táo thần phù hộ cho mình. Ta thờ Táo thần có lẽ là do lúc này xã hội Việt Nam đã chấm đứt đời sống du mục và bước sang giai đoạn định cư bởi ta đã biết trồng lúa, làm rẫy.
Ta đã tổ chức thành gia đình nhỏ và cho rằng mỗi gia đình phải chịu ảnh hưởng của một ông vua bếp. Vua bếp có thể mang lại sự thịnh vượng và sự che chở cho gia đình ta. Tục này đến ngày nay còn tồn tại, nhất là ở các miền quê.
Ta thờ cúng tổ tiên rất siêng năng, dĩ nhiên ta cho rằng vào dịp Tết, việc làm cỗ bàn long trọng để dâng lên bàn thờ là cần thiết vô cùng. Đây là cơ hội để con cháu nhớ ơn ông bà cha mẹ, những người đã khuất bởi chúng ta cho rằng người chết chưa là hết.
Trong cái thế giới vô hình người chết vẫn luẩn quẩn với con cháu là những người sống để chăm nom, phù hộ. Lòng tri ân tiên tổ đã buộc ta rất thành kính và còn khoảng thời gian nào lòng ta có thể thảnh thơi hơn để thông cảm với các tiên linh?
Truyền thuyết về bánh chưng, bánh dầy, nhắc rằng người Việt vào những ngày Tết Nguyên đán đã làm hai thứ bánh này cúng ông bà. Bánh chưng bọc lá xanh, hình vuông tượng trưng cho Đất. Bánh dầy hình tròn mặt nổi vòng lên màu trắng tượng trưng cho Trời. Sáng kiến này nói lên công ơn cho ông bà rộng lớn như Trời như Đất.
Vua Hùng trong khi chấm giải về các món ăn cúng ông bà trong những ngày Tết của 22 người con đã chấp nhận hai thứ bánh này do ý nghĩa kể trên và đã chối bỏ các cao lương mỹ vị khác như gân nai, tay gấu, nem công, chả phượng, v.v… Người Đông phương, như ta thấy trong mọi hành động đều chú trọng vào phần tinh thần nhiều hơn cả.
Do không đi sâu vào khoa học, ta có nhiều tập tục mê tín, dị đoan coi rằng nhiều hiện tượng trong trời đất như mưa, nắng, sấm sét và mọi sự ở thế gian này đều thuộc uy quyền của các thần thánh (đất có Thổ công, sông có Hà bá,
Thủy thần, núi có Sơn thần…) khiến ta phải kính sợ nếu không sẽ gặp tai họa.
Theo ý niệm này, mùa thu, mùa đông là hai mùa làm cho cỏ cây tiêu sái, vạn vật gần như ngừng sinh hoạt. Vậy phải kiêng động thổ, tránh cày bừa, cuốc xới, nhất là vào ngày Tết là khoảng thời gian thần Đất vắng mặt ở hạ giới.
Ta có tục xông đất. Xông đất cũng có hiệu quả cho sự rủi may trong một năm. Ta kiêng người đầu tiên bước chân vào nhà ta ngày mồng một Tết nếu người ấy có đại tang, nếu người ấy đang ở vận xấu và tư đức hèn kém. Thói thường ta vận động cho được người đang ăn nên làm ra tới nhà chúng ta ngay sau khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt vì từ giờ phút này, năm mới bắt đầu.
Trước đây, ở vài địa phương, người ta tổ chức một phiên chợ Tết như chợ Đồng ở tỉnh Hà Nam, chợ Phủ Giầy ở tỉnh Nam Định
cho mọi người đến trút cái đen đùi trong năm kể cả cái khờ dại, ngược lại còn có tin tưởng đón hạnh phúc cùng cái khôn ngoan về với mình. Người ta lại mang các đổ vật, hàng hóa ra chợ này, bán đắt bán rẻ miễn là bán cho được.
Ở Nghệ Tĩnh cũng có tục tương tự. Người ta đem đồ ra bán vào ngày 1 đầu năm, kể cả kẹo bánh, từ mờ mờ sáng.
Hàng bán cũng không cần được lãi. Người ta rao: ” Ai mua đại ra mua! Ai mua đại thì mua!” và không đợi trả lời. Dĩ nhiên người bán có một sự mê tín thì người mua cũng có sự mê tín trái lại, nghĩa là mua không phải là mua đại về để hứng lấy cái không may mà mua được cái gì đầu năm mang về nhà là đón được cái may.
Bỏ qua những tập tục mê tín, dị đoan mà dân tộc chúng ta còn khá nhiều không ngoài nguyên nhân chúng ta đã có một đời sống cố cựu, ít văn minh, chúng ta có nhiều cuộc vui vào ngày xuân và những tập tục thực tế tỏ ra ông cha chúng ta cũng có óc tổ chức và suy xét rất cao xa và hợp lý.
Chúng tôi xin kể ra đây một số để chứng minh cho ý niệm đó, đồng thời xin nhắc rằng những tập tục các trò chơi này có rất nhiều dân tộc tính có thể làm cho chúng ta hãnh diện là đằng khác nữa.
Mùa xuân là mùa của tình yêu!
Chữ “Xuân” của Trung Quốc còn có nghĩa là trai gái vừa lòng nhau, yêu thương nhau. Vậy trong khi cỏ cây nảy mầm xanh ngọn, sinh hoa, sinh trái, Mặt trời đem lại cho thế gian ánh sáng đầm ấm, con người dầu muốn dầu không cũng phát triển mạnh nguồn sinh lực.
Tình yêu, nhất là đối với cái tuổi còn non trẻ cũng phải đưa ra một trạng thái, một hiện tượng sinh động. Ở thôn quê Việt Nam quanh năm tối ngày con người bị cột chặt với đồng ruộng cũng chờ có ngày xuân là ngày có nhiều hội hè đình đám cho trai gái gặp gỡ nhau, tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân.
Lễ giáo phong kiến nghiêm chỉnh là như vậy mà trong dịp này cũng làm ngơ trước nguyên tắc “Nam nữ thụ thụ bất thân” rồi trai gái rủ nhau đi chơi xa, hết làng này qua làng khác tạo nên cái quang cảnh tưng bừng:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm…
Trong dịp này, trai gái không cứ là quen biết nhau sẵn, chỉ cần vừa mắt là đủ trở nên thân mật, chuyện trò đùa giỡn tự do và công khai.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép phong tục nước ta vào ngày đầu xuân có nhắc đến trò đánh đu (Đu ngô hay đu tiên) là lối đánh đu không phải chỉ có một người hoặc nam đánh đu cặp với nam, nữ cặp nữ. Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã chẳng có bài vịnh trò đánh đu nam cặp với nữ đó sao?
… Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng!
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song…
Để mở cuộc giao tình, trai gái mượn các lối hát: hát Dậm ( lối hát ở Hà Tĩnh), hát Quan họ (Bắc Ninh, Bắc Giang) để dạm ý nhau và cũng để thử tài nhau nữa, trước khi “đi sâu vào đại sự”. Ngoài ra còn lối hát Đúm, hát Ví có tính cách dông dài hơn để thỏa mãn hơn về mặt phong tình, lãng mạn.
Hát Quan họ có đặc biệt hơn là có tục khi đôi bên trai gái phục tài, mến nhau thì tính luôn chuyện kết bạn, giao ước với nhau rằng sẽ hát với nhau mãi mãi. (Theo Toán Ánh, tác giả Phước lưu đồng ruộng, kết bạn với nhau phải nhân một ngày hội ở làng bạn gái, chàng trai mang đồ lễ đến đình lễ thần và ra mắt quan viên trong làng.
Buổi lễ thần đó có đốt pháo, ăn uống linh đình như một ngày lễ cưới. Như thế họ bên gái công nhận bên trai kết bạn với con mình, sau đó quan viên bên gái cũng sang yết thần ở làng bên trai và cũng lại chè chén vui vẻ).
Đặc biệt hơn nữa, trai gái hát Quan họ với nhau có thể chỉ do nghệ sĩ tính mà thôi, nghĩa là không bó buộc đi tới hôn nhân. Ngoài ra, để trở nên những đôi bạn tinh thần, có khi người trai người gái đã có vợ chồng rồi mà vẫn giao kết với nhau như thường.
Những cuộc vui chung của trai gái còn nhiều thứ khác nữa ngoài việc tiếng anh cất trước tiếng nàng cất sau. Đó là trò kéo co (kéo dây tập thể), một bên là con trai, một bên là con gái. Bên nào thua thì phải uống nước, bên nào được thì uống rượu.
Trò bắt chạch cũng là một trò rất cổ xưa, ngày nay thường không còn tồn tại; một trai một gái choàng cổ ôm nhau còn tay kia thò vào chum sâu khoáng tìm chạch ở trong đáy chum (Sách Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký có ghi chép).
Trò thi thổi cơm, thi luộc gà sao cho cơm thật ngon thật dẻo, và gà phải thật béo, chín tới mà không nức nở, đầu cánh phải sắp đặt có mỹ thuật, để tế thần được thịnh hành ở làng Thổ Khối, tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt. Lại còn trò thi dệt vải, đánh cờ người lấy giải (giải là một vuông lụa đỏ và vài chục đồng bạc theo giá tiền mấy chục năm trước đây).
Đáng chú ý, cuộc cờ đòi hỏi người chơi cờ phải nhiều mưu trí và khôn lanh mới thắng được địch thủ. Theo thông lệ của bàn cờ giải phải đánh thử trước rồi mới đặt vào chung kết. Có nhiều khi được giải lại là một vài con gái mười bảy mười tám, mà thua cờ là các ông già sáu bảy mươi từ những làng xa tới.
Tại các miền Thượng (Mường, Thái, Thổ, v.v.) trai gái được tự do giao thiệp với nhau nhiều hơn nếu so với tình trạng miền Kinh. Trong những ngày đầu xuân có tục “tung còn”. Trò chơi này bắt buộc phải có một bên nam, một bên nữ. Còn là một quả cầu ngoài bọc vải màu, trong nhồi trấu hay rơm cho nhẹ, một đầu có kết tua. Trên bãi cỏ, bên trai cũng như bên gái sắp hàng chữ nhất cách nhau mươi bước.
Hai bên tung cầu qua lại, bên này tung thì bên kia phải bắt cho bằng được rồi tung trả lại. Nếu ai bắt trượt phải gán cho
người tung một vật mình đang đeo trên người. Có người thua quá chỉ còn có một cái quần dính vào thân thể mà thôi. Tàn cuộc, người thắng trả lại đồ vật cho kẻ bại và bắt kể bại trận phải uống rượu phạt.
Tại Phủ Quý (Nghệ An), Lang Chánh (Thanh Hóa), Bảo Lạc (Cao Bảng), đổng bào Mường còn tố chức đi chơi hang
Ré (ở Lang Chánh) và mang theo thực phẩm để lễ thần. Gái trai xúng xính áo quần lịch sự thổi “Khèn” hát Đúm, tung
“Còn” uống rượu rồi từng cặp tìm nơi thanh vắng tình tự và đính ước trăm năm.
Qua các cuộc vui này ai cũng nhận thấy cuộc sống phóng khoáng phù hợp với thiên nhiên và đem lại hạnh phúc cho con người nhiều hơn và cũng hợp cả với chủ trương nhân đạo nữa…
Ngày Tết vui chẳng riêng ai.
Nếu nam nữ thanh niên được cởi mở, được giải phóng để sống gần tạo vật, thông cảm với luật âm dương hòa hợp cho thuận lẽ thiên nhiên thì đám thiếu nhi cùng các cụ già cũng chờ mong ngày Tết để thụ hưởng những cuộc vui dành riêng cho mình.
Trong dịp này, các thiếu nhi họp nhau từng đám trước ngày Tết thành phường xúc xắc, xúc xẻ (từ Nghệ Tĩnh trở vào gọi là phường sắc bùa), gồm độ mười lăm người vào giờ giao thừa đi chúc Tết các người trong họ và các chỗ quen biết. Nhà nào cũng đã sẵn phong bao bằng giấy đỏ gói một số tiên để tặng các em nhỏ, trong khi đó ở miền Kinh có phường múa lân đi từng nhà múa cũng ngụ ý mừng Tết và chúc Tết. Người ta cũng tặng tiền như với những phường xúc xắc, xúc xẻ.
Các cụ già thì có tiệc yến lão. Tục này có từ thời cổ xưa, thời mà chế độ nhân lão chánh trị còn thịnh. Tại kinh sư cũng như ở các tỉnh, vua quan lựa một ngày xuân vào khoảng trung tuần tháng Hai, trích tiền kho đặt tiệc ở một công sở rồi mời các cụ già tại địa phương xa gần đến dự ơn mưa móc.
Ra về các cụ còn được tặng tiền và lụa tùy theo tuổi già nhiều ít (đây là các lão nhiều tuổi từ 60 trở lên). Ai già yếu quá không đi hưởng hoàng ân được, thì các quan đưa tiền bạc, vóc lụa đến tận nhà. Tục này không còn nữa kể từ thời Pháp thuộc.
Ngoài những trò vui hay thú chơi cho từng lớp người vào dịp Tết Nguyên đán, còn nhiều cuộc liên hoan công cộng. Tỉ dụ tổ chức đi săn, tổ chức đánh cá ở các đầm hồ mở rộng cho nhiều gia đình trong xóm làng, mục đích cầu vui hơn là cầu lợi và còn có ý xem rủi may cho mỗi người, nghĩa là ai bắt được nhiều cá, săn được nhiều chim muông, người đó có thể sẽ hên suốt năm.
Làng Ngư Xá (thuộc tỉnh Hà Đông), làng Phù Lưu (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đến ngày hội thì già trẻ, trai gái ùa ra sông ngòi hay ngoài đồng chăng lưới, úp nơm bắt cá. Bắt được bao nhiêu làm cổ tế thần, còn lại bao nhiêu chia cho mỗi người hoặc nhiều hoặc ít.
Lang Chánh (Thanh Hóa) cũng có tục này, gọi là Tết cơm cá vào tháng Ba. Món ăn đặc biệt trong địp này là lạng thịt những con cá lớn nhứt trộn với muối và gạo nếp đã ngâm sẵn bằng nước lá sả rồi đổ lên như đổ xôi (vì đồng bào Lang Chánh là Mường nên không dùng gạo tẻ như đồng bào Kinh chúng ta).
Những cuộc vui kể trên đây đã biểu lộ một phần nào ý nghĩa lịch sử của Tết Nguyên đán, ý nghĩa nhân đạo và tinh thần hòa hợp với đời sống phóng khoáng của thiên nhiên; Tết còn bao gồm cả lòng tín ngưỡng đối với quỷ thần và sự hiếu thảo đối với tổ tiên; Tết lại có ý nghĩa đoàn kết xã hội giữa mọi tầng lớp nhân dân khiến chúng ta thấy, nhờ có các tục lệ này, xã hội Việt Nam đã thành một khối vững chắc, từng có hiệu lực chống trả với các biến chuyển, những giông tố từ bên ngoài xô tới qua bốn ngàn năm lịch sử.
Trong ngày Tết, chúng ta còn kiêng làm các việc dữ, chửi nhau, đánh nhau, nói xấu nhau, hờn giận nhau và giữ tâm hồn cho thanh thản. Vì lẽ này, ca dao có câu: “Giận đến chết ngày Tết cũng vui”.
Lòng nhân trong ngày xuân còn tràn cả đến súc vật. Ba ngày Tết kiêng nhất là việc sát sinh, đánh chó chửi mèo. Những nhà khá giả sau ba ngày Tết còn làm Tết trâu. Người ta làm bánh, nấu chè cúng thần bảo hộ cho gia súc. Xong lễ người ta lấy bánh trái mỗi thứ đút vào miệng trâu hoặc bỏ lẫn vào cỏ trâu ăn hoặc treo bánh vào sừng con vật.
Ở xứ Mường ta dâng cúng ngay cho con vật, trải chiếu trước chuồng trâu bò cảm ơn chúng đã giúp mình suốt năm và cầu xin chúng tiếp tục giúp mình trong năm tới…
Người Việt Nam có tính cần cù!
Người Việt Nam có tinh thần tranh đấu!
Người Việt Nam thông minh!
Và điểm nào nữa mà ta với người ngoại quốc còn có thể đồng ý với nhau nữa sau các nhận xét này?
Thưa, tinh thần cầu tiến!
Thật vậy, nếu dân tộc này thiếu sót các điểm quan trọng kể trên lại do vị trí bất lợi bên khối Hán tộc khổng lồ nhiều tham vọng đế quốc và lân quốc Chiêm Thành hiếu chiến từ đầu Công Nguyên, thì nay còn gì nữa?
Hầu hết mọi gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, tức Tết Cả, cái Tết bao gồm nhiều ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng có ảnh hưởng cho đời sống cá nhân và quốc gia, cha con chồng vợ đều khuyến cáo nhau cố làm ăn, sinh sống sao cho năm tới bằng năm bằng mười năm cũ.
Ngay những lời chúc tụng đầu năm, đã như vậy để nhắc nhau gột rửa cái hư hèn, cái thoái hóa cho nó chìm sâu vào dĩ vãng. Lời chúc tụng đã phản ảnh nguyện vọng thiết tha cho năm tới có ý nghĩa như là làm lại cuộc đời theo phương hướng sáng sủa hơn, con đường rộng rãi quang đãng hơn.
Ý chí cải thiện, cầu tiến được thực thi ngay từ trong những việc nhỏ hằng ngày, bắt đầu luôn từ lúc tiếng trống giao thừa vừa chấm dứt. Lúc này nhà cửa đã quét dọn sạch sẽ, được tô điểm bằng những dòng chữ lớn hoặc bay bướm cho có nhiều mỹ thuật, hoặc có những ý tưởng cao cả, nghiêm trang nói lên những hy vọng lớn lao của chủ nhân. Những chậu cúc vàng thêm màu sắc vui tươi cũng làm cho tâm hồn thêm phần sảng khoái.
Chủ nhân là văn gia thi sĩ ư?
Cái đề tài chính là kiểm điểm công việc đã qua, đã gặp trong năm cũ và các việc tốt đẹp sẽ làm trong những ngày sắp đến cho có sự tiến bộ. Người ta khai bút như vậy với tất cả mọi ý nghĩ tốt lành, từ tinh thần đến hình thức. Thậm chí đến các thầy thư lại cũng cố đóng cái dấu sao cho rõ, cho tròn và ông quan khai ấn trước đây cũng lựa ngày lành tháng giờ tốt.
Chủ nhân là nhà nông?
Người ta không quên chúc thóc đầy bịch, ruộng đất thẳng cánh cò bay, tiền bạc như nước chảy.
Chủ nhân là nhà buôn?
Người ta chúc: Nhất bản vạn lợi. Với gia đình nào thích con đàn cháu đống, câu chúc của bà con thân hữu là “Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn. “
Tóm lại, người ta ước ao năm mới sẽ có kèm theo sự đổi mới, tức là sự tiến bộ bằng năm bằng mười năm cũ. Người ta còn ước vọng sự tiến bộ ấy phải được thực hiện rất sớm trên các phương tiện tăng phú, tăng quý, tắng phúc, tăng thọ, v.v…
Người học trò phải thi đậu, cô gái tơ phải sớm có chồng, cụ già thêm sức khỏe, người làm quan thăng chức. Lời cầu chúc sao cho hợp với lòng mong đợi của người được chúc mới là hay, là quý…
Dân ta có nhiều cuộc giải trí lành mạnh, những cuộc vui xuân đầy ý nghĩa để nâng cao tinh thần đạo đức, thượng võ không thua gì các cuộc vui hay các trò chơi của nhiều dân tộc khác từ Đông qua Tây. Những cuộc giải trí này là của đại chúng, trái lại cái xã hội phú hào, phong kiến chỉ ưa đánh tài bàn, tổ tôm (tổ tôm điếm), đánh xóc đĩa, nghe hát ả đào. Việc chơi cờ bạc này có khi đã làm cho người ta mắc công mắc nợ, đáng phải bài trừ nhưng trước đây nó được công khai dung dưỡng.
Nhân nói đến cái trò vui công cộng, chúng ta không thể quên cái trò liếm chảo, leo cột mỡ dưới thời Pháp thuộc đã làm con người mất hết nhân cách vào những ngày kỷ niệm cách mạng 14-7 của “nhà nước Bảo hộ”.
Phải chăng trò vui này cũng phản ảnh phần nào cái bộ mặt nhọ nhem của đám quan lại thời đế quốc? Rồi chính một nhân vật của giới này đã tiếp nhận ý nghĩa của nó qua câu đối viếng viên Tổng đốc Thái Bình họ Phạm từng nổi tiếng giỏi làm chúc từ ca ngợi quan Tây như sau:
Vai nhọ tẻ cho làng cố lão,
Đít-cua thôi vắng mặt danh thần!…
Những trò giải trí của bình dân trong ngày xuân không nhiều lắm, thực ra các trò như bơi trải, đánh vật, hát tuồng, hát chèo, hát ả đào, ca vũ, đánh phết cũng có thể bày ra vào những tháng khác để cả làng liên hoan (tháng Tám dân quê cũng rảnh rỗi nên cũng hay bày trò vui để thưởng thức với nhau). Người dân quê vốn ít được giải trí đã cất công từ làng này qua làng khác, phủ này qua huyện khác, có khi cách nhau hàng mấy chục cây số cũng tìm đến, đủ hiểu sự thèm khát của bà con dân quê như thế nào.
Hầu hết đình đám hội hè ngày xuân không đâu thiếu món thi “Vật”, nhất là ở tỉnh Vĩnh Yên. Vật là môn chính cũng như ở Bắc Ninh có hội là phải có cây đu và ca hát cho trai thanh gái lịch. (Theo Phong lưu đồng ruộng của Toan Ánh).
Vật là môn đứng đầu hàng. Võ sĩ ai nấy đều phải sở trường môn này, được tập luyện nhiều cho dẻo dai lại phải có sức khỏe. Tuy nhiên võ sĩ muốn thắng địch không phải khỏe, dẻo dai mà đủ, còn cần có những thế hiểm, miếng hay mới hạ được đối phương.
Nguyên tắc của trò vật cũng như nghề võ là phải nhử địch thủ vào thế yếu thì làm ngã địch rất nhẹ nhàng, nghĩa là nhè địch có chỗ sơ hỏ thì khê gảy địch cũng nhào. Do đó, ta thấy các đô vật hạng “ruồi” thắng những tay đô vật hạng nặng là thường.
Môn đấu roi (Trung bình tiên) xưa kia rất thịnh hành ở Bắc Việt nhưng gần đây môn này được phổ biến hơn từ
Thanh Hóa trở vào. Chơi trung bình tiên gọi nôm na hơn là đánh gậy. Phải có hai người đấu với nhau. Gậy dài trên ba thước, đầu có quấn giẻ tẩm vôi trắng để đánh dấu vào mình đối phương. Ai bị nhiều dấu trắng tức là bị trúng đòn nhiều, là thua.
Môn “vật cù” giống môn bóng rổ ngày nay của Tây phương. Người chơi cũng chia ra hai toán không quản bùn lầy lấm láp, tranh nhau quả cầu bằng gốc tre sơn để ném lên rổ của phe đối lập, thường treo trên một ngọn tre cao vút.
Môn “đánh phết” là môn thể thao rất sở trường của dân làng Phù Đổng (tỉnh Bắc Ninh) và làng Hiền Quan (tỉnh
Phú Thọ), cũng tương tự khúc côn cầu (hockey) ngày nay.
Người chơi cũng chia ra hai phe: mỗi phe cầm một cái gậy tre đầu uốn cong để đẩy trái cầu bằng gốc tre vào lỗ đối phương canh giữ.
Người ta còn tổ chức các cuộc kéo dây, chạy thi, bắn nỏ, bắn bia bằng súng kíp. Cuộc thi bắn bằng súng kíp chỉ có ở trên các bản Mường như làng Đồng Lạc, châu Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa).
Các làng ở ven sông hay có cuộc thi bơi trải. Thuyền dùng vào việc bơi trải là những con thuyền ghép bằng ván gỗ hình thoi rất nhẹ nhàng và dài năm bảy thước là ít. Tay chèo mỗi bên sườn thuyền cũng tới năm bảy người, đầu quấn khăn đỏ, khố đóng ngang lưng.
Mỗi người cầm một tay chèo đầy, chèo nhanh như máy mà tiến lên. Mỗi lần thi có tới một hai chục chiếc. Người đứng hai bò sông vỗ tay reo khuyến khích.
Trên mặt sông người dự thi cũng reo ầm ĩ trong những chiếc thuyền đua nhau lao trên mặt nước nhanh như tên đã gây nhiều sự hứng thú và vui vẻ như các cuộc đua xe máy, đua ngựa ở đô thành.
Giải thưởng cũng tùy theo khả năng của làng. Người ta thường chú ý đến phần danh dự hơn là thích ăn thua về tiền bạc. (Xưa kia giải thưởng thường là một vài quan tiền, vài vuông lụa hay nhiễu điều, có khi là một cây ô, v.v.) khán giả đứng ngoài đánh cá với nhau tiền trăm bạc chục như đánh cá ngựa ngày nay.
Lại có những trò chơi mà người ta bày đặt ra để thử tài thông minh hay sự mau trí khôn cũng được dân chúng rất hưởng ứng và hoan nghênh. Xin kể cuộc thi thổi cơm hay thổi xôi.
Có hai lối thi: thi cá nhân và thi tập thể. Người dự thi phải chạy cho nhanh đến giếng nước để lấy nước hay cướp cho được một lọ nước đã múc sẵn. Việc tiếp là kéo lửa bằng nòng tre hay giang rồi thì giã thóc ra gạo. Cuối cùng mới là việc nấu cơm (Tục này ở làng Thị Cấm, tỉnh Hà Đông).
Ở nơi khác (làng Chuông, cũng thuộc Hà Đông), người ta còn bày ra nhiều sự oái oăm hơn là nấu cơm trên mặt nước, ăn mía lấy bã làm củi. Người dự thi ngồi trên chiếc thuyền thúng có mấy chiếc que diêm nhất định và một bó rơm bơi ra chỗ có đóng chiếc cọc tre ngoài ao.
Các cọc này nhô đầu lên khỏi mặt nước chừng nửa gang làm đòn rau. Người thì thổi cơm phải vừa làm sao cho thuyền khỏi trôi, lại vừa phải vo gạo, nhóm lửa. Đấy là cuộc thi dành cho đản ông.
Còn cuộc thi dành cho đàn bà gồm mấy việc sau đây: ăn mía để lấy bá làm củi, phải ẵm hay dỗ một đứa nhỏ chưa biết đi, phải chăn một con cóc buộc ở sát bếp sao cho nó không nhảy ra ngoài vạch vôi đã vẽ theo hình tròn trên mặt đất, gần chỗ thổi nấu…
Tại làng Tích Sơn (Hưng Hóa), làng Yên Đổ (Hà Nam) có cuộc thi đuổi lợn, đuổi cuốc trong ngày Tết vào mồng
Hai. Người ta được báo trước rồi đổ hết ra ngoài đồng. Ban tổ chức thả một con lợn khỏe mạnh để người ta đuổi bắt.
Còn tục săn chim cuốc thì già trẻ lớn bé nai nịt gọn gàng chỗ tiếng cồng nổi lên là chạy ra ngoài đồng để đuổi bắt.
Giống chim cuốc như ta đã biết, lủi rất nhanh ở các ven hồ bờ ruộng hay ở các bụi rậm; chúng ưa kiếm ăn ở chỗ vắng người, yên tĩnh nhưng khi nghe thấy tiếng huyên náo và bị đuổi thì rối trí ngay và ngã lăn ra, người ta mới bắt được.
Với trò bắt heo, đuổi cuốc, người ta cũng có sự mê tín là bắt được heo hay cuốc, dân làng năm mới sẽ được nhiều may mắn. Trên thực tế, trò này khuyến khích sự tháo vất, sự lanh lẹ. Nhưng bắt được cũng còn tùy ở may rủi nữa…
Cận lai một ít làng còn giữ tục rước cái “nõn nường” trong các hội hè tháng Giêng (làng Khúc Lạc và Di Nậu tại tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt). Nõn nường là gì? Xin thưa là khúc gỗ đẽo thành hình sinh thực khí của đàn ông và đàn bà. Sau cuộc rước long trọng, người ta ra công tranh cướp, giành giật lấy của quý này hy vọng được may mắn, chửa đẻ hay nuôi tằm tốt tay, v.v..
Tục này đối với chúng ta ngày nay có vẻ kỳ dị nhưng không phải là khó hiểu. Nõn nường tượng trưng cho sự sinh sản thì còn gì điển hình hơn là cái sinh thực khí của con người? Người ta tôn thờ nó để cầu nguyện cho được may mắn, sinh sôi nảy nở nhiều.
Và nguyện vọng này còn được hiện lên trên cái bức hình vẽ một cách thô sơ, màu sắc lòe loẹt bán khắp chợ từ thành thị đến thôn quê. Nào tranh gà, tranh lợn, tranh hái dừa, tranh cóc dạy học, tranh đám cưới chuột, v.v., thảy đều gợi lên ý niệm sản xuất và nói lên dân tộc tánh, đặc biệt là tính chất vui tươi của dân tộc.
Trên đây là những cuộc vui của đại chúng, những tục lệ cổ truyền và tết trong mùa xuân. Nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín, ta thấy rõ ràng ý nghĩa lành mạnh của cổ nhân mặc dầu những tục lệ, những trò chơi này đã là những sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu.
Dân tộc của chúng ta quan niệm những ngày đầu năm phải là những ngày mở màn cho sự mới mẻ, tiến bộ, vui vẻ, đoàn kết, đẹp đẽ, khỏe mạnh hơn những năm trước. Rồi người ta đã dùng những biện pháp thực tế hay ảo tưởng để hy vọng cho thân mình, cho nhà mình, cho làng mình và cả nước mình sẽ thịnh vượng, tốt lành hơn trước.
Người ta cúng bái ông bà, rước sách thần linh hay làm những gì kỳ cục đi chăng nữa cũng chỉ là cầu cạnh sức mạnh huyền bí giúp cho mình toại nguyện, đặc biệt là trong việc tổ chức các trò vui đã tỏ ra một tinh thần lạc quan để con người được cởi mở, yêu thương, bớt thù thêm bạn.
Hơn thế nữa, quan niệm về Tết của dân tộc chúng ta còn chống với triết Ký Phật, Lão coi đời là sông mê bế khổ, sống thêm nhiều chỉ là nối tiếp những chuỗi ngày phiền não. (Lão Trang dạy con người vô vi, vô dục, thúc đẩy chúng ta xa rời cuộc sống).
Với quan niệm này, con người luôn luôn tiến, luôn luôn tranh đấu và tin tưởng vào tương lai. Chắc chắn rằng do ý chí vui sống, cương quyết tranh đấu, tinh thần đoàn kết ấy, dân tộc chúng ta đã tạo được một sức mạnh đầy đủ cho chúng ta chống trả với thời cuộc qua bao nhiêu thế hệ tới ngày nay.
Còn nói một cách chật hẹp, nếu ngày Tết chỉ là ngày ăn chơi, chúc tụng nhau thì cái Tết Việt Nam còn mang nhiều chất vui tươi vào đời sống hơn là cái Tết của người Tàu hay của người Tây phương và một số tập tục cổ truyền đáng nên giữ lại hầu duy trì lấy quốc hồn, quốc túy của dân tộc.
Phụ lục: Chúng tôi xin biên chép thêm ra đây một vài tập tục cổ về ngày xưa kể từ thế kỷ thứ XI là khoảng thời gian quốc gia Việt Nam đã tiến vừa về độc lập, vừa về chính trị, văn hóa, xã hội, v.v.. Dân ta dưới đời Lý, Trần có nhiều phong tục rất là thuần phác, không khí tôn giáo dưới hai triều đại này bao trùm khắp cung đình ra tới ngoài dân dã.
Nho giáo cũng bắt đầu thấm nhuần vào các tầng lớp xã hội. Khắp nơi được an cư lạc nghiệp.
Ngày 30 Tết (tháng Chạp), dân đốt pháo. Pháo ngày xưa chưa có làm bằng giấy bọc thuốc nổ như ngày nay mà là những ống lệnh chứa thuốc nổ và có ngòi. Người ta đốt pháo ở ngoài cổng, ngoài ngõ hay ngoài sân rồi sửa soạn giết gà giết lợn làm cỗ cúng ông bà luôn ba ngày liền.
Mồng 5 Tết, trong cung vua có bày tiệc khai hạ. Từ quan đến dân đều đi lễ chùa, viếng đền đài, vườn hoa và phong cảnh trong địa phương.
Tháng Hai, quan cho dựng xuân đài, mướn phường chèo đến hát xướng ca múa cho mọi người cùng dự. Ngoài ra, có đặt các trò chơi công cộng như đánh vật, chọi gà và đánh cầu lấy giải thưởng.
Đúng ngày Lập xuân, vua cắt người tông trưởng cầm roi vút vào con trâu đất (thổ ngưu) do mục đích khuyến nông rồi vua quan vui vẻ bước vào cung ăn yến.
Theo sách An nam chí lược (tác giả là Lê Tắc, người đời Trần): “.… Ngày mồng Ba Tết, vua ngự ra gác Đại Hưng xem các thái tử và nội thị đá cầu. Kẻ nào đá liên tiếp không rơi là thắng. Quả cầu tròn làm bằng gấm, to bằng nắm tay con nít, chung quanh quấn lụa.
Các quan lớn thì đánh cầu bằng tay trên ngựa – không ngờ môn đá cầu tức là đá kiệu ngày nay, lúc đó rất thịnh hành trong hàng quý tộc và có lẽ trong cả dân gian nữa.
Người ta kể chuyện đời Lê có một ông quan đá cầu chúc thọ Chúa Trịnh với lời hứa mỗi một quả cầu là một
năm thọ. Ông ta đứng trên thuyền đá đến mấy trăm quả chưa mỏi chân”.
Môn đánh cầu bằng tay trên ngựa cũng là một trò chơi đặc biệt của vua quan, khá phổ biến ở Đông phương xưa kia (với ta thì trò chơi này có từ đời Lý. Theo sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hán, ta có thể nghĩ rằng ta nhập cảng trò này của vua quan xứ Chiêm Thành).
Người chơi chia ra hai phe. Ai nấy đều cầm cái trượng (gậy dài bằng gỗ và dẹp bản) đánh quả cầu cho nó chạy vào cửa của đối phương là thắng. Lối chơi “Gôn” của Tây phương có phóng tác của Đông phương chăng? Về hình thức, tuy có khác chút ít nhưng đại để thì giống nhau, và ngồi trên ngựa mà đánh cầu ta thấy có phần đẹp mắt hơn.
II. Thông tin sản phẩm Phần Mềm Gia Phả
Ngày Tết cổ truyền (Tết nguyên đán) là một truyền thống của Việt Nam, ngày tưởng nhớ và hội tụ của ông bà đã khuất theo quan niệm xa xưa. Gia Phả là một sản phẩm giúp chúng ta ghi nhận thông tin dòng họ qua nhiều thế hệ
Chúng tôi có những sản phẩm phần mềm gia phả chuyên dụng hỗ trợ người dùng làm gia phả nhanh chóng, tiện lợi và hiện đại:
+ Quản lý Gia Phả (bản Offline)
+ Gia phả Đại Việt (bản Offline)
+ Gia phả số Đại Việt Trực Tuyến (bản Online):
• Ra mắt từ tháng 7/2023, Gia Phả Số Đại Việt như một giải pháp Số toàn diện giúp các dòng họ xây dựng Gia phả đẹp, chuyên nghiệp, tiện lợi
• Tính năng kế thừa từ 2 sản phẩm ĐỨNG ĐẦU thị trường được phát triển từ 2011 (Phần mềm quản lý gia phả, Gia phả đại việt)
III. THÔNG TIN LIÊN HỆ
•Gia Phả Số Đại Việt Trực Tuyến
•Tòa Trinity Tower, số 145 đường Hồ Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội
•Số điện thoại hỗ trợ: 0979.33.88.11 (ZALO) hoặc 024.378.77529
•Hòm thư hỗ trợ: hotro@giaphadaiviet.com
Facebook hỗ trợ: Gia Phả Đại Việt